Thật không khó khăn để tìm những chiếc máy siêu âm, máy đo điện tim luôn trong tình trạng “đắp chiếu” ở nhiều trạm y tế xã ở các huyện khó khăn của tỉnh Bắc Kạn. Được trang bị từ năm 2015, nhưng nhiều năm nay, chiếc máy siêu âm hiện đại ở trạm y tế của xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn luôn trong tình trạng được “trùm màn” im lìm trong căn phòng sạch sẽ của trạm y tế xã.
Phó Trạm trưởng phụ trách, y sỹ Triệu Thị Bé cũng như đội ngũ y bác sỹ của trạm chưa từng một lần sử dụng thiết bị được coi là hiện đại nhất ở đây để khám cho bệnh nhân. Ngoài máy siêu âm, trạm y tế xã Công Bằng cũng được cấp thêm một máy điện tim rất giá trị - nhưng cũng chỉ để xó trong góc phòng từ khi mua đến nay.Y sỹ Triệu Thị Bé - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã cho biết: “Trạm được đầu tư máy móc hiện đại thì rất mừng. Nhưng khi vận hành nó cũng khó. Nên cũng rất là thiệt thòi cho bệnh nhân ở đây, khi bệnh nhân đau bụng chưa rõ nguyên nhân phải chuyển bệnh nhân ra tuyến huyện siêu âm. Hằng ngày, trạm lau chùi, thi thoảng cắm điện vào cho đỡ hỏng hóc.”
Cũng tương tự như trạm y tế xã Công Bằng, trạm y tế xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm cũng rơi vào tình trạng phương tiện máy móc hỗ trợ khám chữa bệnh cũng đang trong tình trạng “nhàn rỗi”. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân, ba năm trước, trạm y tế xã này được cấp một máy siêu âm trị giá hơn 100 triệu đồng và một máy điện tim gần 30 triệu đồng để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Thế nhưng, theo các bác sỹ ở đây chia sẻ thì kể từ khi được cấp cho đến nay, rất hiếm hoi những chiếc máy hiện đại này được mang ra sử dụng.Bác sỹ Chu Thị Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã cho biết: Cán bộ trạm y tế có được đi tập huấn nhưng với thời gian ngắn và máy móc hiện đại quá, kinh nghiệm vận hành máy siêu âm, điện tim của chúng tôi chưa cao. Vì thế nên máy mua về vẫn để đó chưa sử dụng đựơc nhiều…
Việc đầu tư những trang thiết bị y tế hiện đại cho các trạm y tế cấp xã là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết của nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại các tỉnh miền núi khó khăn, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các thiết bị này được trang bị cho các huyện đều không thể hoạt động. Ngoài huyện Pác Nặm thì các huyện khác như Ngân Sơn, Chợ Đồn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Máy siêu âm mới tinh được cấp cho Trạm Y tế xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn cũng chung cảnh nằm “chùm mền” nhiều năm nay. Nằm cách xa trung tâm huyện Ngân Sơn ngoài 20 cây số, nhu cầu chụp chiếu, khám chữa bệnh của người dân trong xã Thượng Quan rất lớn. Dù được đầu tư các thiết bị hiện đại, thế nhưng, do bác sỹ chưa được đào tạo quy trình vận hành nên máy cũng không thể sử dụng được. Máy có cũng như không, người dân trong xã vẫn phải xuống trung tâm huyện để khám, chữa bệnh. Bác sỹ Cao Thị Bạch - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã bộc bạch như thế này: “Cấp chứng chỉ là chưa được, chị chỉ học lỏm theo những người đã làm để làm thôi. Những bệnh lý rõ ràng rồi thì mới biết thôi, còn bệnh chưa rõ ràng thì cũng không phục vụ được cho chuẩn đoán đâu.”
Nguyên nhân lãng phí máy móc ở trạm y tế cấp xã
Để các Trạm y tế cấp xã đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo quy định, cũng như nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở. Năm 2014, từ hai dự án cấp thiết bị y tế cho tuyến xã của Bộ Y tế, tỉnh Bắc Kạn được cấp hơn 25 máy siêu âm, máy điện tim, kính hiển vi và nhiều thiết bị khám bệnh khác…Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra: Đầu tư hiện đại, giá trị của thiết bị lớn nhưng không đồng nghĩa là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ được nâng lên. Nguyên nhân dẫn đến phần lớn số thiết bị y tế này chưa phát huy được hiệu quả, một số nằm đắp chiếu, không sử dụng là do thiếu bác sỹ được đào tạo chuyên môn sâu để có kinh nghiệm sử dụng hiệu quả máy móc hiện đại. Việc vận hành máy móc, chẩn đoán kết quả thông qua các thiết bị hiện đại đối với các y, bác sỹ cấp xã là rất khó khăn.
TheoBác sỹ Âu Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện tại một số trạm xá xã được cấp máy siêu âm máy điện tim thật ra nhưng trang thiết bị này được cấp được trang bị cho hiện đại. Năm 2014, toàn tỉnh Bắc Kạn đã đào tạo được 61 bác sỹ để sử dụng số máy siêu âm đã được cấp. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo, một số cán bộ, bác sỹ đã luân chuyển đi công tác ở các xã khác hoặc lên Trung tâm Y tế huyện. Nên nhiều trạm y tế xã có máy nhưng không có bác sỹ có chuyên môn để sử dụng. Đây là vấn đề khó khăn, trăn trở của chúng tôi nhưng chưa có cách gì khắc phục được. Bởi bác sỹ trạm cấp xã còn thiếu và ít có thời gian, kinh phí bố trí cho đi đào tào trong thời gian dài ở các trường, bệnh viện lớn…Nhân lực có, thiết bị sẵn, bệnh nhân cần,…nhưng ngặt nỗi chi phí điện tim, siêu âm ở cấp xã lại không có trong danh mục thanh toán của cơ quan bảo hiểm. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân luôn được giới thiệu lên tuyến trên để tránh áp lực lên quỹ bảo hiểm cấp xã.
Trước thực trạng như hiện nay, thì việc triển khai ngay những giải pháp khắc phục là rất cần thiết. Nếu không, số máy móc này sẽ tiếp tục bị lãng quên và xuống cấp. Khi và chỉ khi giải quyết được bài toán nhân lực cũng như cơ chế chính sách phù hợp thì những thiết bị y tế hiện đại được trang bị cho các trạm y tế cấp xã ở Bắc Kạn mới thực sự phát huy hiệu quả và đạt được mục đích ban đầu khi đầu tư . Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân mà còn tránh gây lãng phí tài sản của nhà nước, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở ở tỉnh miền núi Bắc Kạn.