Tiếng dân

Bắc Kạn: Hiểm họa ô nhiễm từ bãi vàng Khau Âu

Đà Giang – Nhật Lam 21/05/2024 - 09:29

(TN&MT) - Người dân vùng hạ lưu suối Khau Âu (Bắc Kạn) hiện vô cùng bức xúc trước tình trạng mỏ vàng Khau Âu do Công ty TNHH Kim Ngân tổ chức khai thác tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đây là mỏ vàng đã khai thác từ lâu nhưng đá thải, nước hồ thải treo leo trên sườn đồi, cũng như bùn thải trôi xuống suối Khau Âu. Câu hỏi đặt ra, ai quản lý, kiểm tra việc khai thác mỏ kim loại quặng màu này?

Đào đãi ở Bình Văn, "họa" sang Thần Sa

Trao đổi với PV, anh Triệu Trung T., trú tại xóm Thượng Kim (xã Thần Sa) bức xúc cho biết: Nhà anh có mấy sào ruộng, gần ngay dòng suối Khau Âu nhưng thường xuyên mất mùa, bởi nạn ô nhiễm nước. Cũng theo anh T., nước có màu bùn đục, nhìn như nước bê tông. Cây lúa tưới phải nước này thì không sống nổi khiến cho gia đình trắng vụ. Anh T. bức xúc: Trước đây, nước suối từ phía trên cao thuộc địa phận xã Bình Văn chảy xuống trong và sạch lắm. Nhưng kể từ khi tỉnh Bắc Kạn cho phép công ty Kim Ngân vào làm vàng “gốc” đến nay, thì đúng là suối Khau Âu thành dòng suối “chết”, anh T. chia sẻ.

bai-vang-khau-au-6-.jpg
Người dân bức xúc, quy hoạch bãi thải ở đâu, mà dòng suối Khau Âu bị bùn thải bãi vàng trôi đầy xuống vậy?
bai-vang-khau-au-10-.jpg
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đi bộ cả mấy cây số đường rừng vào bãi vàng Khau Âu để tìm hiểu nguyên nhân dòng suối Khau Âu bị ô nhiễm.

Ông Triệu Văn Kim, Trưởng bản Thượng Kim cho biết: Mấy năm qua, dòng suối Khau Âu bị hiểm họa như ngày nay là do tình trạng xả thải bừa bãi từ phía trên xã Bình Văn trôi xuống. Hậu quả là người dân xã Thần Sa phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Ông Triệu Văn Kim đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, tránh tình trạng khai thác phía trên, phía dưới khốn khổ.

tnmt-suoi-khau-au-oan-minh-o-nhiem-.jpg
Dòng suối đầy bùn đất. Ảnh chụp phía dưới xóm Thượng Kim, xã Thần Sa.
tnmt-suoi-khau-au-o-nhiem-bi-o-nhiem-.jpg
Nước như màu bê tông, xi măng khiến người dân không dám rửa tay, nói gì đến dùng cho tắm rửa, sinh hoạt.
bai-vang-khau-au-7-.jpg
Có những chỗ đóng cục, như đổ bê tông vậy.

Đi dọc dòng suối Khau Âu, đoạn giáp ranh địa giới hành chính giữa 2 xã Bình Văn và Thần Sa, phóng viên nhận thấy những ý kiến của người dân là có cơ sở. Cả một đoạn suối chảy từ Bình Văn (trên cao) xuống Thần Sa, dòng nước đục ngàu, đầy bùn đất… nhìn giống như màu xi măng, bê tông thải.

Ao chứa nước thải của Cty TNHH Kim Ngân, tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn

Theo mô tả của người dân địa phương, tình trạng này chủ yếu xảy ra vào tầm chiều tối, khi mà dân làm vàng tiến hành sàng tuyển, lọc vàng. Nước thừa cùng với bùn đất cứ thế đổ từ trên xuống khiến cho dòng nước bị đục và đầy bã thải khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. “Người dân đã kiến nghị lên UBND xã Thần Sa, UBND huyện Võ Nhai, kể cả UBND huyện Chợ Mới nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết triệt để”, ông Kim nói.

Ranh giới mỏ vàng Khau Âu ở đâu ?

Rộng đường dư luận, phóng viên tìm vào khu vực khai thác của mỏ vàng Khau Âu. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, mỏ vàng Khau Âu được UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1664/QĐ-UBND, tháng 11/2018 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình khai thác hầm lò và chế biến quặng vàng gốc, mỏ Khau Âu, xã Bình Văn (Chợ Mới).

Nhà đầu tư là Công ty TNHH Kim Ngân, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 4700159843 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 21/2/2008. Địa chỉ trụ sở chính: Tổ 1, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Mạnh Thắng.

Dự án có công suất khai thác 2.400 tấn quặng nguyên khai/năm; sản phẩm, dịch vụ cung cấp tương đương 7,0kg vàng/năm; diện tích đất sử dụng 4,1ha; thời hạn hoạt động của dự án là 10 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Tiến độ thực hiện Dự án đầu tư: Từ quý IV/2018 - quý I/2019 thực hiện sửa chữa, cải tạo công trình; quý II/2019 hoàn thành cải tạo công trình và đưa vào hoạt động khai thác.

bai-vang-khau-au-8-.jpg
Công ty TNHH Kim Ngân dựng trạm cách điểm khai thác mỏ của mình đến cả cây số, nhằm cản trở người dân đi lại gần mỏ của mình và phát giác ra những vấn đề khác.
bai-vang-khau-au-5-.jpg
Muốn vào mỏ vàng Khau Âu, người dân phải để xe phía ngoài rồi đi bộ

Tuy nhiên, khi phóng viên “mục sở thị” vượt mấy km đường đất thì gặp một trạm barie, có 2 người ngồi canh. Mặc dù không chứng minh được đây là khu vực đất của Công ty, nhưng 2 người bảo vệ này vẫn cứ ngăn cản người đi làm nương rẫy qua đó.

Tiếp tục đến “bãi vàng”, phóng viên quan sát thấy những chiếc xe tắc-tơ chở đầy quặng chạy vào, chạy ra đổ xỉ, đổ bã… Qua trao đổi với một người lái xe, phóng viên được ông này cho biết, ông Thắng (Giám đốc) đang trong hầm, không gặp được.

bai-vang-khau-au-11-.jpg
Những chiếc xe Tắc-tơ chở lặc lè quặng trong mỏ vàng Khau Âu
bai-vang-khau-au-14-.jpg
Rất nhiều xe vào ra người xuôi

Sau đó, phóng viên có liên hệ đến số điện thoại cá nhân của ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Cty Kim Ngân để tìm hiểu tính pháp lý của dự án này nhưng không thấy trả lời.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thưỡn, Phó chủ tịch UBND xã Thần Sa thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm tại suối Khau Âu diễn ra đã nhiều năm. "Người dân phản ánh ô nhiễm nhiều rồi, không chỉ nguồn nước mà đất đá chảy về lấp hết dòng suối. “Nguyên nhân vẫn đang được cơ quan chức năng xác định và cũng không loại trừ từ việc khai thác mỏ vàng trên thượng nguồn trôi về” - Ông Thưỡn cho hay. Vẫn theo lời vị Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa, việc nguồn nước bị ô nhiễm gây hệ lụy tiêu cực đến môi trường sống, sản xuất nông nghiệp của địa phương và mong muốn cấp trên sớm có giải pháp.

bai-vang-khau-au-1-.jpg
Nhà chỉ huy khai trường
bai-vang-khau-au-2-.jpg
Khu vực sàng tuyển và nhà ở

Sau đó, phóng viên làm việc với UBND xã Bình Văn để tìm hiểu việc kiểm tra, giám sát tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn, cũng như tình trạng đổ thải, xả thải ra môi trường… Phóng viên được một cán bộ phụ trách môi trường của xã cho biết: Hiện tại, ông Ma Phúc Quyên, Chủ tịch UBND xã đang đi vắng, còn mình mới đảm trách được vài tháng nên chưa nắm được tình trạng trên.

Sau đó, phóng viên liên hệ đến ông Ma Phúc Quyên, Chủ tịch UBND xã Bình Văn thì được ông Quyên cho biết: Từ ngày Công ty TNHH Kim Ngân tiến hành khai thác vàng đến nay, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra vài lần nhưng muốn biết kết quả thì lên huyện, lên tỉnh hỏi. Ông Quyên hứa sẽ cung cấp các giấy tờ liên quan nhưng cả tuần sau vẫn “bặt vô âm tín”.

Đến lúc nay, dư luận đặt câu hỏi có hay không việc gây ô nhiễm trầm trọng dòng suối Khau Âu trên địa bàn xã Bình Văn và Thần Sa? Đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm trước khi quá muộn.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Hiểm họa ô nhiễm từ bãi vàng Khau Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO