Đất đai

Bắc Hà (Lào Cai): Phát huy giá trị của đất trong giảm nghèo

Bích Hợp 31/08/2023 - 12:47

(TN&MT) - Những năm qua huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của huyện Bắc Hà giảm 8,43%, phấn đấu đến năm 2025 đưa Bắc Hà thoát khỏi huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai.

Để làm rõ nhưng nội dung cơ bản của chương trình giảm nghèo cua địa phương, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Nguyễn Duy Hoà, Bí thư huyện Bắc Hà, Lào Cai xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua, Bắc Hà đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững nhờ vào phát huy giá trị của đất?

Ông Nguyễn Duy Hoà: Đất đai là nguồn tài nguyên quý báu, là nền tảng cho sự tồn tại, tham gia vào các hoạt động của xã hội, đời sống kinh tế. Để đưa đất đai vào sử dụng một cách có hiệu quả, hợp lý và phù hợp với yêu cầu về sự phát triển theo đúng định hướng chung của huyện, trước hết UBND huyện Bắc Hà tập chung cho công tác Quy hoạch sử dụng đất. Trong thời gian qua huyện Bắc Hà đã tập chung tốt cho công tác lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 xác định rõ cơ cấu diện tích các loại đất cần sử dụng trong kỳ quy hoạch tạo tiền đề cho Bắc Hà thực hiện tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

a-hoa.jpg
Ông Nguyễn Duy Hoà, Bí thư huyện uỷ Bắc Hà, Lào Cai.

Việc xác định cơ cấu đất cần chuyển mục đích sử dụng trong kỳ đó cũng tạo ra nguồn thu từ đất cho ngân sách địa phương từ việc giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, cũng thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trong phương án quy hoạch đã xác định được các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những đối tượng được Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn huyện.

Quy hoạch các khu đô thị mới, khu tái định cư, các trung tâm cụm xã định hướng giải quyết quỹ đất ở theo nhu cầu gia tăng dân số cho khu vực đô thị và nông thôn để đảm bảo phát triển ổn định đời sống dân cư; Quá trình quy hoạch dành đủ đất để xây dựng kiên cố hóa các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm y tế, trụ sơ cơ quan, chợ,... sẽ góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất của huyện Bắc Hà đến năm 2030, UBND huyện đã và đang triển khai lập các khu quy hoạch chi tiết xây dựng như: Quy hoạch chung đô thị 1500ha, quy hoạch đường vành đai II, quy hoạch Cây xăng Tả Hồ, quy hoạch Na Quang 123, quy hoạch phía Nam Hồ Na Cồ, quy hoạch bệnh viện Bắc Hà…Ngoài ra huyện Bắc Hà còn triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết trung tâm cụm xã nhằm đáp ứng nhu cầu về đất ở ngày càng tăng cao của người dân, cũng như khai thác hiệu quả quỹ đất, xây dựng khu vực trung tâm xã đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đi sâu vào triển khai các dự án chung.

Việc tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất theo phương án lập quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch xây dựng được huyện Bắc Hà trú trọng thực hiện nhằm bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về phát huy giá trị của đất gắn với công tác giảm nghèo?

Ông Nguyễn Duy Hoà: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội luôn là mục tiêu mà huyện Bắc Hà( Lào Cai) đặt ra trong những năm qua. Đây cũng là động lực để đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững nhất bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện vùng cao này.

Đặc biệt, tạo các vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến, mạng lưới phân phối tiêu thụ và ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa... (VD: Cây mận tả van- Tả Van Chư; Mận tam hoa – Na Hối, Tà Chải, Thị trấn; Vùng dược liệu – Tả Văn Chư, Lùng Phình....).

du-an.jpg
Bắc Hà đã phát huy giá trị của đất trong quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đưa Bắc Hà ra khỏi huyện nghèo của Lào Cai và của cả nước.

Ngoài việc quy hoạch để tạo quỹ đất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, việc thay đổi tư duy từ việc quản lý, sử dụng đất đai, chính là những thửa ruộng, cánh rừng của các hộ gia đình đang quản lý sao cho đem lại hiệu quả cao nhất mà các xã cũng như huyện Bắc Hà đang hướng tới. Bằng sự tuyên truyền, vận động đã từng bước làm thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn, đồi cây của mình.

Do đó, huyện Bắc Hà đã thực hiện các dự án như trồng lê, trồng dược liệu… để tăng năng xuất và thu nhập cho người dân sống dựa vào đất. Ví dụ như mô hình trồng lê của gia đình anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà. Gia đình anh Khúa có 400 gốc lê, những năm qua 400 gốc lê đã cho thu nhập cả 100 triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Khúa không những thoát nghèo mà còn có của anh của để.

Hay mô hình trồng dược liệu cát cánh của gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh, thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, gia đình chị Linh đã chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô gần 1 ha sang trồng cây cát cánh. Gia đình chị còn có vườn mận Tả Van hàng trăm gốc. Từ 2 cây trồng chính này, gia đình chị có nguồn thu ổn định hằng năm. Đây chỉ là một vài hộ trong hàng nghìn hộ ở Bắc Hà thay đổi tư duy phát huy hết giá trị của đất trong công tác giảm nghèo.

PV: Huyện Bắc Hà đã gặp phải khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo và giảm nghèo liên quan tới đất đai?

Với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, xen lẫn sông suối, kinh tế chưa phát triển. Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, câu chuyện về giảm nghèo luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Bắc Hà khi bài toán thoát nghèo vẫn chưa thực sự bền vững.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công trình nhằm mở rộng thị trấn Bắc Hà, tạo quỹ đất dọc theo tuyến đường, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị và đi lại của nhân dân. Đảm bảo giao thông được thông suốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao từng bước đời sống kinh tế, cải thiện cơ sở vật chất nhưng vẫn còn gặp phải những khó khăn như: do trình độ hiểu biết kém một số người dân vẫn có quan điểm là đất đai là sở hữu của cá nhân người sử dụng đất, khi thực hiện giải phóng người dân vẫn còn đòi hỏi như: thỏa thuận giá đền bù, không đồng ý cho thu hồi đất…

cat-canh.jpg
Huyện Bắc Hà đã đưa chủ trương tích tụ đất đai, phát triển nhưng cây có giá trị kinh tế cao giúp người dân thoát nghèo.

Quá trình sử dụng đất của người dân chưa tuân thủ theo Luật đất đai 2013: Tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tự ý chia tách thửa đất cho tặng con cái hoặc chuyển nhượng không đủ điều kiện chia tách, tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất …Dẫn đến khi thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Việc dồn điền đổi thửa, để có quỹ đất cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao vẫn chưa thực sự tốt, do đó bắc Hà vẫn chưa có nhiều những cánh đồng công nghệ cao giúp cho việc giảm nghèo bền vững.

PV: Trong thời gian tới, Bắc Hà có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị của đất, thưa ông?

Trong thời gian tới, để giảm nghèo gắn với phát huy giá trị của đất đi vào thực tiễn, huyện Bắc Hà sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế trên chính những diện tích đất nông nghiệp mà gia đình hiện đang có.

thu-hoach-cat-canh-1.jpg
Người dân Bắc Hà đã từng bước thay đổi tư duy trong trồng trọt, chăn nuôi... để tăng thu nhập một cách hiệu quả và bền vững.

Huyện Bắc Hà đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, toàn huyện giảm 1.053 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ giảm nghèo 8,97%; đồng thời đưa tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 49%. "Giai đoạn 2021 - 2025 huyện Bắc Hà sẽ có 3 chương trình lớn của Trung ương tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi đang rà soát tổng thể tất cả nguồn vốn để triển khai để hỗ trợ với phương án Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân cũng có đối ứng".

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bắc Hà không ngừng được nâng cao, là cơ sở để Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn (hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ tư liệu sản xuất) phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất.

Bên cạnh việc giúp người dân tăng thu nhập một cách hiệu quả, bền vững, chúng tôi sẽ đưa Nghị quyết vào cuộc sống làm thay đổi tư duy, giúp bà con đồng bào DTTS hiểu rõ phương thức, cách làm, canh tác diện tích đất của mỗi gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng huyện vùng cao Bắc Hà ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Hà (Lào Cai): Phát huy giá trị của đất trong giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO