(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa chủ trì tổ chức phiên họp thứ Sáu trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 63 tỉnh, TP để đánh giá tình hình thực hiện công tác CCHC 10 tháng năm 2023; đề ra nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng còn lại của năm.
Tham dự và chủ trì điểm cầu của tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ CCHC tỉnh.
Trong 10 tháng năm 2023, các thành viên BCĐ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh CCHC đồng bộ ở các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển KT-XH.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), thúc đẩy phát triển KT-XH.
Tính đến ngày 31/10/2023, đã có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố 4.028 TTHC nội bộ. Các bộ, ngành đã đơn giản hóa được 437/1.086 TTHC được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC; đẩy nhanh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đến ngày 10/11/2023, đã có 4.419 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, DN quan tâm như: Đăng ký, cấp biển số xe; đổi giấy phép lái xe; cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế...
Trong đó, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022). Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022). 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Tính đến ngày 10/10/2023, Bộ Công an đã cấp hơn 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận hơn 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt hơn 37,93 triệu tài khoản.
Đối với tỉnh Bắc Giang, công tác CCHC đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều sáng kiến về CCHC được áp dụng, mang lại hiệu quả cao như: Ứng dụng mã QR trong tra cứu TTHC, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thanh toán trực tuyến, khảo sát sự hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC, tuyên truyền về TTHC; xây dựng App Dịch vụ công Bắc Giang và hệ thống thông tin phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt hơn 99%. Công tác tuyên truyền nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến được đẩy mạnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, BCĐ CCHC của Chính phủ thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; công tác rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ…
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương, DN tham luận làm rõ hơn kết quả đạt được trong công tác CCHC 10 tháng năm 2023; phân tích những thuận lợi, khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc thời gian tới. Các nội dung thảo luận tập trung vào những vấn đề như: Công tác chuyển đổi số của các DN viễn thông, cải cách TTHC ở DN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách chế độ công vụ; CCHC trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, tài chính, tài nguyên và môi trường…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện công tác CCHC thời gian qua.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của công tác CCHC đối với sự phát triển của đất nước. Đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn nữa 6 nội dung về CCHC để tạo ra sự đột phá bao gồm: Thể chế, TTHC, chế độ công vụ, bộ máy hành chính nhà nước, tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số.
Cùng với đó, chú trọng tới cải cách TTHC đối với người dân và DN ở cơ sở; lấy người dân và DN làm chủ thể; bố trí nguồn lực, con người ở cơ sở theo hướng giảm cán bộ công chức, viên chức ở tỉnh, huyện để tăng cường xuống cơ sở giải quyết các TTHC. Các thành viên BCĐ phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới phương thức, cách làm. Giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản.
Đặc biệt, khi xây dựng văn bản cần rà soát phân cấp, phân quyền, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết đối với người dân, DN, đi kèm với đó là phân bổ nguồn lực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm. Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của DN, người dân. Duy trì thực hiện nghiêm việc bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp lắng nghe, đối thoại, tiếp thu ý kiến của người dân, phải làm một cách nghiêm túc, hiệu quả, tránh hình thức.