Bắc Giang: Long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 134 năm Khởi nghĩa Yên Thế

17/03/2018 22:54

(TN&MT) – Ngày 16/3, UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức kỷ niệm 134 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế (16/03/1884 – 16/03/2018) thu hút hàng vạn người dân, du khách tham dự với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc và các trò chơi dân gian. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 134 năm (16/3/1884-16/3/2018) khởi nghĩa nông dân Yên Thế, để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, lễ hội được huyện Yên Thế tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm và long trọng. Sau tiếng trống, tiếng chiêng là màn dâng lễ vật, dâng rượu tiên tế tới Hoàng thiên anh linh và nghĩa quân anh dũng; lễ dâng hương báo công về những thành tựu nổi bật của huyện Yên Thế trong một năm qua và lễ phóng ngư tại hồ sinh thái có lịch sử từ hơn 100 năm trước.

DSC00901
Lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm (1884 - 1913)

Tại lễ hội, lãnh đạo huyện Yên Thế đã ôn lại lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm (1884 - 1913); khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực trong các tầng lớp nhân dân tiếp tục xây dựng quê hương Yên Thế ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Khởi nghĩa Yên Thế được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn, bền bỉ và oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng khởi nghĩa Yên Thế đã là một biểu tượng của tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc. 

DSC00952
Sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Yên Thế vang mãi bản hùng ca” với sự tham gia của đông đảo diễn viên, học sinh Nhà hát Chèo Bắc Giang, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh

Sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Yên Thế vang mãi bản hùng ca” với sự tham gia của đông đảo diễn viên, học sinh Nhà hát Chèo Bắc Giang, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Chương trình nghệ thuật tái hiện tinh thần thượng võ, ý chí đấu tranh quật cường của nghĩa quân Yên Thế. Trong đó, điểm nhấn là hoạt cảnh lễ tế cờ, phóng điểu của Hoàng Hoa Thám, màn biểu diễn võ thuật của học sinh trên địa bàn…

IMG 9803
Đoàn đại biểu của tỉnh, huyện, các xã, nhân dân và khách thập phương đã dâng hương trước tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám

Tiếp đó, đoàn đại biểu của tỉnh, huyện, các xã, nhân dân và khách thập phương đã dâng hương trước tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như hội trại thanh niên, thi nấu cơm niêu, đập niêu, kéo co, bịt mắt bắt lợn, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, bắn nỏ, hát quan họ trên thuyền, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp.

IMG 9931
Lễ hội Yên Thế được tổ chức mỗi năm nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Lễ hội Yên Thế được tổ chức mỗi năm nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó là phát huy giá trị và nét đẹp của những di sản văn hóa mà cha ông để lại trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung. Thông qua lễ hội Yên Thế để du khách thập phương cảm nhận được ý nghĩa chính chị và văn hóa sâu sắc, vừa mang tính truyền thống, tâm linh và hiện đại tạo nét độc đáo của vùng quê Yên Thế thượng võ, giàu truyền thống cách mạng nơi đây.


Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau này di cư lên Yên Thế.

Năm 26 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Cai Vàng. Tới năm 34 tuổi lại gia nhập cuộc khởi nghĩa Đại Trận và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (11/1873) Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn.

Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (4/1884), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng. Cuối năm 1885, ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm tức Đề Nắm và trở thành một tướng lĩnh có tài.

Vào tháng 4/1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 134 năm Khởi nghĩa Yên Thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO