Ba Vì - nơi đất lành chim đậu

Mộc Hương - Hải Ngọc| 18/02/2021 09:47

(TN&MT) - Đó là vùng đất thuộc phía tây kinh thành Thăng Long. Một vùng rộng lớn gắn với cả ba dòng: sông Đà, sông Hồng, sông Lô; giáp giới ngã ba Trung Hà, ngã ba Bạch Hạc, nơi những dòng sông tụ thủy "dòng biếc lẫn dòng đào" ở đầu sông Cái, góp phần bồi đắp vùng châu thổ trù phú với nền văn minh rực rỡ hình thành cách đây cả hàng nghìn niên đại: Văn minh sông Hồng.

Ba Vì - nơi đất lành chim đậu

Nơi đây, thiên nhiên hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho miền đất cực tây xứ thiền kinh hội tụ nhiều địa hình sinh thái: Núi non và trung du, đồng bằng và sông suối… tạo thành trọng trấn có hình thế cát vượng trấn giữ kinh thành Thăng Long. Chẳng thế mà “Chiếu dời đô”của Thái Tổ Lý Công Uẩn năm 1010 viết rằng: “...Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước... Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”

“Núi sông sau trước” hay “nhìn sông dựa núi” trong phong thủy có ý nghĩa tương tự. Ngọn núi mà Thăng Long - Hà Nội “dựa” vào ấy, chính là dãy Ba Vì.

Ba Vì không chỉ là ngọn núi gắn với huyền thoại Sơn Tinh và lịch sử trị thủy của dân tộc Việt, mà còn là ngọn núi linh của Ba Vì và Đại Việt ta. Nếu ví núi Ba Vì là đầu rồng hùng mạnh thì thân rồng chạy suốt vào phương Nam tức dải Trường Sơn ngày nay. Địa linh ấy ắt sinh nhân kiệt.

Cổng lên đền Thượng trên đỉnh Ba Vì

Nhắc tới xứ Đoài, miền đất địa linh nhân kiệt, trước tiên phải nhắc đến Đức Thánh Tản. Ngài là biểu tượng anh hùng trị thủy của dân tộc được nhân dân ta tôn vinh là vị thần thứ nhất trong bốn vị thần bất tử. Đền thờ của ngài, cùng với Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ ngự trên đỉnh Tản, đỉnh Vua, mà chính là ngự trong lòng dân và nền văn hiến sâu gốc bền rễ của nước nhà.

Nhắc tới xứ Đoài, không thể không nhắc tới lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn; Thượng thư lục bộ Nguyễn Bá Lân, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Tân Hợi (1731) với bài phú "Nhất độ giang thành chương phú" (Bài phú hoàn thành trên chuyến đò ngang) và "Ngã ba Hạc phú"; Hay thi sĩ Tản Đà với “Thề non nước”… những áng hùng văn để lại tiếng thơm muôn đời và đóng góp giá trị vào nền văn học Việt Nam.

Trải bao thăng trầm với thời gian, thiên tai và địch họa, vùng đất địa linh đã nhào nặn nên bao nhân kiệt cho đất nước: những danh nhân kiệt xuất, tướng lĩnh tài ba, văn nho xuất chúng và bao người con hiền tài, những người góp phần làm rạng rỡ không chỉ riêng Ba Vì, mà còn đóng góp công trạng lớn lao cho Hà Nội Thủ đô và cả nước.

Rừng thông trên cốt 400m. Ảnh: Việt Hùng

Ba Vì cũng là vùng đất tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu, Đình Thanh Lũng… Là vùng đất có 3 tộc người Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống, hình thành một quần thể văn hóa cộng đồng mang bản sắc riêng.

Bên cạnh bề dày văn hóa, lịch sử, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ của sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú rất thích hợp với phát triển du lịch sinh thái. Quanh núi Ba Vì, hồ Suối Hai đã hình thành các khu du lịch nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua, Thác Đa, Thiên Sơn Thác Ngà, Đầm Long - Bằng Tạ, Đồi Cò - Ngọc Nhị, nước khoáng nóng Thuần Mỹ… Đặc biệt, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ trên núi Tản Viên là trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch tâm linh. Đây là những điểm du lịch đưa du khách về những giá trị văn hóa Việt cổ, cội nguồn dân tộc và văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng (trái) trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về tiềm năng du lịch Ba Vì. Ảnh: Việt Hải

Có thể nói, vùng đất thiêng ăm ắp huyền sử, đầy dầy trầm tích và lấp lánh tiềm năng đã góp phần tạo nên một Hà Nội nghìn năm văn hiến; một Hà Nội cổ kính hào hoa và hùng vĩ phóng khoáng đa tình; một Hà Nội nhộn nhịp phố xá và man mác chân quê; một Hà Nội sơn thủy hữu tình, trọn vẹn địa thế Thủ đô dựa núi trông sông vững chãi... Vùng đất mang tên thơ mộng Ba Vì ấy đang được thổi vào một luồng sinh khí mới khơi thiên những tiềm năng về nhiều mặt, trong đó nổi lên là du lịch.

Nói đến du lịch Ba Vì, có lẽ không mấy ai không biết đến một vùng du lịch thân thuộc và gần gũi với du khách Thủ đô, du khách các vùng miền lân cận và cả nước. Nhưng gần gũi đấy mà còn nhiều xa ngái, thân thuộc đấy mà chưa hẳn đã đi đã hiểu cho hết nông sâu, nhiều nhặn đấy mà còn nhỏ lẻ, chưa hẳn kết tạo thành tua thành khối thành vòng… Lại nữa, với vai trò là lá chắn cả về nhiều nghĩa cho Thủ đô, du lịch đó phải được thúc đẩy trong thế đột phá an toàn, phát triển vững bền. Đây là bài toán khó, đặt ra cho các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân Ba Vì nói riêng, Hà Nội và cả nước nói chung, trong đó, đặc biệt quan trọng là cái tâm, cái tầm của đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện Ba Vì.

Khách sạn Xứ Đoài - điểm dừng chân ngay bên bờ Suối Hai. Ảnh: Việt Hùng

“Trong tương lai, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng hình ảnh huyện Ba Vì và Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, Hà Nội và Ba Vì đã xây dựng Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành Khu du lịch Quốc gia, định hướng đến năm 2030, trình các cấp và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Ba Vì - cửa ngõ Thủ đô, lá phổi xanh của Hà Nội nên kiên định và tiên quyết một quan điểm: Không đổi môi trường để lấy kinh tế" - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ.

Môi trường ở đây, chúng tôi hiểu, đó là sự an toàn về địa - chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa và kinh tế… chứ không chỉ đơn thuần là môi trường thiên nhiên.

Rồi đây, không xa, du lịch Ba Vì sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi thành phố Hà Nội triển khai các quy hoạch chung, nhất là các quy hoạch du lịch để có cơ sở công bố các dự án thu hút đầu tư. Trước mắt, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện. 8 dự án sẽ được tập trung đầu tư. Rồi đây, các tuyến đường nối khu du lịch Khoang Xanh - Ha Noi Paragon Hill - Vườn Quốc gia - Thiên Sơn Suối Ngà; đường vào khu du lịch Sườn Tây núi Ba Vì, khu du lịch Suối Hai, khu du lịch Khoang Xanh sẽ được mở thông, cải tạo và nâng cấp. Lãnh đạo huyện Ba Vì mong muốn, mỗi người sẽ trở thành một nghệ nhân sản xuất sản phẩm du lịch, một phục vụ viên, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thân thiện và văn minh. Rồi đây, bên cạnh một Ba Vì mang vết tích và dáng dấp xa xưa, sẽ có những kiến trúc hiện đại được dựng lên; đứng ở hiện tại mà chạm tay vào quá khứ, từ miền quá khứ mà soi rọi vào hiện tại, tương lai… không phải ngẫu nhiên mà Ba Vì có được điều kỳ diệu ấy.

Phong cảnh thanh bình trên đường lên đỉnh Non Tản là nơi các bạn trẻ tìm về chụp ảnh cưới. Ảnh: Việt Hùng

Chủ tịch Đỗ Mạnh Hưng cũng chia sẻ những ấp ủ của lãnh đạo huyện về các dự án phát triển du lịch sức khỏe và du lịch tâm linh song song với các loại hình du lịch khác. Theo ông: “Đến với Ba Vì, du khách sau khi trải nghiệm các điểm tham quan, có thể đằm mình vào suối nước khoáng nóng, thụ hưởng các dịch vụ, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn gốc thiên nhiên trên chính mảnh đất Ba Vì, do chính những con người nơi đây tạo ra. Hoặc trút bỏ ưu tư muộn phiền, thả hồn trôi vào miền tịnh độ trong ban mai hay chiều buông tĩnh mịch, trong trẻo tiếng chim và lãng đãng sương. Thấu hiểu và nâng niu, chu đáo và tôn trọng, lịch sự và thân thiện… mỗi sản phẩm, dịch vụ hay ứng xử nơi đây đều phải hướng tới chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô”.

Và chúng tôi tin, với những khát khao cháy bỏng trong tâm tư người Chủ tịch trẻ, bằng kiến thức và lòng thiện, với sự quan tâm đầu tư của các cấp các ngành, các tổ chức, cá nhân, du lịch Ba Vì sẽ chuyển mình mạnh mẽ cùng với sự phát triển chung của Thủ đô. Bởi đất Ba Vì chưa bao giờ phụ lòng người. Đất lành chim sẽ đậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì - nơi đất lành chim đậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO