Bá Thước (Thanh Hóa): Xây dựng công trình trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp

Tuyết Trang| 02/10/2022 15:07

Mấy năm gần đây, Khu du lịch nghỉ dưỡng Pù Luông, thuộc địa bàn xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) được nhiều du khách biết đến vì khí hậu ôn hòa với những ruộng lúa bậc thang thơ mộng. Cũng chính vì mở rộng du lịch, nhiều người dân đã bất chấp pháp luật “tự ý” nhà ở, bể bơi, bãi giữ xe… trên đất rừng, đất nông nghiệp.

Tình trạng vi phạm trên đã gây ra nhiều hệ lụy trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai phục vụ sản xuất, phát triển du lịch và kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Báo cáo của UBND xã Thành Lâm, hiện tại trên địa bàn có 116 hộ vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm về xây dựng, chủ yếu vào mục đích xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa nước, lúa nương và đất trồng cây hàng năm khác, diễn ra ở khắp các thôn trong xã như thôn Cốc, thôn Đanh, thôn Bầm, thôn Tân Thành, thôn Leo và thôn Đôn. Tình trạng sai phạm diễn ra chủ yếu từ năm 2010 đến 2015. Trong đó có một số trường hợp mới xảy ra vào năm 2020, 2021 khi mà dịch vụ du lịch tại đây đang “nở rộ”.

anh-3(1).jpg
Một góc Khu du lịch Pù Luông, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Đáng chú ý. Trong các vụ vi phạm, có một số trường hợp tại thôn Đôn (còn được gọi là Bản Đôn, một trong các thôn trọng điểm về du lịch của xã), tình trạng vi phạm được nêu tại mục “Hiện trạng xây dựng” trong báo cáo của UBND xã là “san lấp mặt bằng trồng lúa” và “thay đổi mặt bằng trồng lúa”, chủ yếu xảy ra vào cuối năm 2021. Mặc dù báo cáo không nêu rõ, nhưng theo người dân sở tại, những trường hợp này, đã được gia chủ dùng làm bãi đỗ xe để phục vụ khách du lịch. Trong số đó, điển hình như hộ ông Hà Thanh Lịch (thôn Đôn), vi phạm thời điểm năm 2019 - 2020, trên 11 thửa đất chủ yếu là đất trồng lúa nước, lúa nương rẫy với tổng diện tích lên tới 1.658,3 m2. Trong đó, ngoài diện tích “thay đổi mặt bằng đất trồng lúa” và “san lấp mặt bằng đất trồng lúa”. Số còn lại 1391,2 m2, có 548,6 m2 đã được xây dựng nhà tạm, còn lại được “làm bể bơi”, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của khách du lịch.

Cũng tương tự như hộ ông Lịch, tại thôn Đôn còn có một số trường hợp như hộ bà Cao thị Mai, hộ ông Hà Văn Đắc, đã “thay đổi và san lấp mặt bằng trồng lúa nước” trên nhiều thửa đất trồng lúa, diện tích mỗi hộ gần 1.000 m2, theo dư luận thì cũng không ngoài mục đích làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.

anh-1(1).jpg
Khu xây dựng trái phép của gia đình ông Nguyễn Trọng Lâm

Không những “biến” đất nông nghiệp thành nhà ở, bãi đậu xe, người dân nơi đây còn ngang nhiên “biến” cả đất rừng sản xuất (RSX) thành nhà ở như hộ gia đình ông Hà Văn Lực, thôn Leo 170 m2, hộ ông Hà Văn Xuôi, thôn Leo, 400 m2, hộ ông Hà Văn Túi, thôn Leo, 350 m2, hộ ông Hà Văn Thảo, thôn Leo, 500 m2… ngoài ra hàng chục hộ khác còn vi phạm trên đất có rừng sản xuất (RST).

Vi phạm về đất đai và xây dựng tại Thành Lâm xảy ra nhiều vào thời gian từ năm 2010 đến tháng 8/2021 (kéo dài tới 11 năm). Trong đó có nhiều hộ xây dựng nhà ở với diện tích tới vài trăm m2. Trong khi đó, với đặc thù miền núi, giao thông khó khăn, việc dựng nhà (chủ yếu là nhà sàn gỗ) phải mất nhiều thời gian, huy động nhiều thợ thuyền, trước đó còn phải qua hàng năm chuẩn bị vật liệu (gỗ làm nhà sàn). Hơn nữa, ở khu vực này, tính cộng đồng rất cao, nhà ai có việc là cả thôn, bản kéo tới làm giúp, nhất là làm nhà mới, gần như cả làng, cả xã đều biết. Nhưng “lạ” là chính quyền xã lại không hề biết nên không có biện pháp kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời?

Về tình trạng này, Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như: hộ ông Hà Văn Bảo, thôn Đanh, trong năm 2010. Đã xây dựng nhà ở (cho mình và người thân trong gia đình) trên 14 thửa gồm đất lúa nước, lúa nương rẫy, đất trồng cỏ, tổng diện tích lên tới 524,3 m2. Hộ ông Hà Văn Toản (cùng thôn) vi phạm xây dựng nhà ở vào năm 2011 trên đất sản xuất nông nghiệp, đất chưa sử dụng với diện tích gần 600 m2. Cũng tương tự như 2 trường hợp trên (nhưng diện tích nhỏ hơn), còn có hộ ông Hà Văn thiệp, Hà Văn Vĩnh, Hà Văn Chủ … cùng ở thôn Đanh và đều thuộc dạng vi phạm xây nhà ở trên đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm với diện tích hàng trăm mét vuông.

anh-2(1).jpg
Xây dựng bãi giữ xe trái phép

Cá biệt, trường hợp như Hộ ông Hà Văn Tài, xây dựng “nhà ở” với diện tích lên tới 1.764,8 m2 trên đất nương rẫy. 

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: Tôi vừa chuyển về nhận chức Chủ tịch UBND xã từ Tết vừa rồi, đây là vấn đề rất phức tạp do lịch sử để lại, hiện tại UBND xã Thành Lâm đang khoanh lại những trường hợp vi phạm, khảo sát lại toàn bộ diện tích, không để phát sinh những trường hợp mới, báo cáo UBND huyện tìm hướng giải quyết.

Ông Ngọ Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: UBND huyện đã có Văn bản chỉ đạo xã Thành Lâm rà soát báo cáo cụ thể đối với các trường hợp vi phạm, sau rà soát thì nhiều hộ vi phạm, hiện tại huyện đã xử lý cưỡng chế một số trường hợp rồi.

Bài 2: Vì sao sai phạm kéo dài nhưng không bị xử lý?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bá Thước (Thanh Hóa): Xây dựng công trình trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO