(TN&MT) - Đã 7 năm trôi qua, dự án cầu Bến Kẹm tại huyện Bá Thước vẫn đang thi công dở dang. Vẫn điệp khúc thiếu vốn, nhiều hạng mục đã thi công nay đang xuống cấp trầm trọng, người dân hai bên bờ ngậm ngùi với niềm vui chưa tày gang.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Bến Kẹm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư tháng 10/2009. Đây là một trong các hạng mục thuộc dự án tuyến đường giao thông ngã ba Điền Lư - Lương Ngoại - Lương Trung - Lương Nội (huyện Bá Thước) - Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy). Dự án được UBND tỉnh giao Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 75 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng được trích từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Đến tháng 11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án sang dự án đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô, tổng mức đầu tư được điều chỉnh nâng lên thành 108 tỷ đồng, trong đó, số vốn xây dựng cầu Bến Kẹm là 75 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu thi công cầu là Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc. Dự án cầu Bến Kẹm được khởi công xây dựng từ năm 2011 và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành trong 24 tháng.
Tháng 3/2011, dự án Cầu bến Kẹm được khởi công dưới sự hân hoan, vui mừng của chính quyền cũng như người dân nơi đây. Niềm mơ ước từ thế hệ này đến thế hệ khác mong có một cây cầu lớn nối đôi bờ sông Mã phục vụ người dân của 7 xã vùng sâu như: Lương Ngoại; Lương Nội; Lương Trung… để sang xã Điền Lư, nơi có Quốc Lộ 217 nối với đường mòn Hồ Chí Minh đi các tỉnh sắp thành hiện thực.
Sau thời gian đầu thi công rầm rộ, dự án bắt đầu ì ạch, lâm vào bế tắc do thiếu vốn. Sau đó, Ban điều hành dự án, kỹ sư, công nhân lần lượt rời khỏi công trình, để lại các hạng mục còn thi công dang dở, máy móc phục vụ dự án nằm phơi sương phơi nắng bên bờ sông cỏ hoang mọc um tùm, hoen gỉ thành đống sắt vụn .
Người dân xã Lương Ngoại, Lương Nội cho biết: Nhiều thế hệ trôi qua, do không có cầu cứng qua sông đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thông thương hàng hóa, phương tiện giữa các địa phương với bên ngoài. Nơi đây có diện tích trồng mía, sắn rất lớn, mỗi vụ thu hoạch, xe lớn không thể vào xã được vì nhà máy thủy điện không cho qua cầu nên phải đi đường vòng rất xa. Do trái đường mà nhiều gia đình mía chặt cả tuần xe mới vào để bốc ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng và kinh tế.
Do việc thi công cầu Bến Kẹm chậm tiến độ, ngày 2/10/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nghiêm khắc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Bến Kẹm đảm bảo không ảnh hưởng đến việc tích nước thủy điện Bá Thước 2. Thế nhưng đó chỉ là trên giấy, từ đó tới nay dự án vẫn chưa được khởi động lại.
Theo quan sát của PV, cây cầu Bến Kẹm nằm trong lòng đập thủy điện Bá Thước 2 về phía thượng nguồn con sông Mã. Tuy là mùa khô, mực nước của đập đã sắp nuốt chửng 5 trụ cầu lòi sắt đứng trơ chọi dưới lòng sông. Trên bờ sông, 7 dầm cầu đúc bê tông lòi sắt hoen gỉ. Những khuôn sắt hàng chục tấn xếp thành đống, máy xúc, máy công trình nằm chỏng chơ với cỏ dại mọc phủ kín. Nhà điều hành tan hoang, nằm trơ trọi.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án giao thông III (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa), đến tháng 11/2017, công trình xây dựng cầu bến Kẹm đã được thi công xong 7 dầm, 46 cọc/56 cọc, xây dựng 4 trụ/7 trụ, cùng một số hạng mục khác.
Ông Đoàn Khả Phú, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án III, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân công trình tạm ngừng thi công là dự án thiếu vốn và không bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được. Ban quản lý dự án III đã kiến nghị lên Sở Giao thông Vận tải.
Dự án thi công dở dang, các hạng mục đã đầu tư 30 tỷ đồng nằm chỏng trơ giữa trời, đang hoen gỉ xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó người dân hai bên bờ vẫn đang hàng ngày mòn mỏi cây cầu nhanh chóng được hoàn thành để giao thương hàng hóa, cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.