(TN&MT) – Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 156 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước…Tận dụng những giá trị tài nguyên biển, Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước phát triển mạnh ngành kinh tế biển, trở thành hình mẫu cho nhiều tỉnh, thành có biển khác áp dụng.
Trong những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh, nhiều ngành nghề như: Khai thác dầu khí; đánh bắt, chế biến hải sản; du lịch biển - đảo; công nghiệp ven biển; cảng nước sâu…Đến nay, địa phương này đã được định danh là “thủ phủ” của ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, là trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 67.573 tỷ đồng ( là một trong 05 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước), thì phần lớn số thu này liên quan đến các hoạt động kinh tế biển. Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương điển hình trong việc xây dựng và phát triển kinh tế biển trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.
Khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững
Cũng như nhều địa phương khác trên cả nước, Bà Rịa – Vũng Tàu đang gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý tài nguyên biển, hải đảo. Đó là việc khai thác chưa hợp lý đã và đang làm cho môi trường, các loại tài nguyên, nguồn lợi của biển có dấy hiệu suy giảm và biến đổi phức tạp. Các hoạt động hàng hải trên hệ thống cảng; nước thải từ các khu công nghiệp, chế biến thủy sản; tốc độ đô thị hóa... tạo ra hệ lụy là sự ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông. Đồng thời, việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh ven biển không theo quy hoạch ở nhiều nơi đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển ở nhiều nơi. Ngoài ra, hiện tượng mặn hóa, phèn hóa gây ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước... làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá vỡ cân bằng tự nhiên.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng , Bí thư Tinh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Từ nhiều năm trước, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định chủ trương phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác tài nguyên có chiều sâu, đảm bảo ổn định lâu dài, có “để dành” cho tương lai, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, không xâm phạm, tổn hại đến các giá trị của biển, hải đảo.
Năm 2015, Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Chiến lược sẽ hướng đến 9 dự án lớn, gồm: Điều tra, đánh giá trữ lượng và tình hình khai thác các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng bờ; Kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ và các cửa sông ven biển tỉnh BR-VT; Điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao, các khu vực sinh sản, các loài được ưu tiên bảo vệ, loài xâm hại vùng bờ tỉnh; Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường ven biển, đánh giá mức độ nhạy cảm và chống chịu của vùng ven biển và cửa sông đối với các tai biến tự nhiên và sự cố môi trường phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng bờ biển; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên - môi trường biển, đảo và vùng bờ tỉnh...
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết, trong các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đều quán triệt quan điểm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ hiện đại; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường…
Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với biển, như: Xây dựng phát triển trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng tại các khu vực Cái Mép - Thị Vải, Vũng Tàu, Côn Đảo; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú dọc các khu vực ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu và Côn Đảo; huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam; phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ quốc gia và quốc tế, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng khẳng định, để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên biển thì từng cơ quan đoàn thể, mỗi người dân càng phải nâng cao ý về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Vì vậy, hàng năm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo trên địa bàn. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng, quảng bá thương hiệu biển Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó tập trung vào các nhóm thương hiệu: các sản vật tự nhiên, sản phẩm thủ công truyền thống gắn với biển, đảo; các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các vùng biển, hải đảo của tỉnh; các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, trên các đảo; cộng đồng dân cư sống ven biển và trên các đảo; công nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu và dịch vụ hậu cần dầu khí; dịch vụ vận tải biển; nuôi trồng, chế biến thủy sản…
Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hàng năm, Sở TN&MT là cơ quan đầu mối tổ chức và phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về tài nguyên biển và ý thức bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng dân cư, khách du lịch; tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải trên các bãi biển Long Hải, Vũng Tàu, Côn Đảo…; tuyên truyền, vận động nhân dân, khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, chất thải bừa bãi khi hoạt động, sinh hoạt ở bãi biển cũng như trên biển.
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Tuấn lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới với nhiều hoạt động nổi bật, thiết thực. Năm 2012, địa phương này đã đăng cai và tổ chức thành công Tuần lễ quy mô cấp quốc gia.
Ông Phan Văn Mạnh cho biết: Năm 2018, theo chủ trương chỉ đạo của Bộ TN&MT, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày đại dương thế giới năm 2018 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan toả và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các hải đảo của địa phương…
Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
Mục đích:
- Củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về biển, hải đảo Việt Nam; tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương để có những hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, phát triển kinh tế biển và chấp hành pháp luật về biển, hải đảo;
- Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy lòng tự hào dân tộc, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động tuyên truyền của các thế lực cơ hội, thù địch trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng vấn đề chủ quyền trên biển làm tổn hại khối đại đoàn kết của toàn dân tộc và mối quan hệ đối ngoại truyền thống tốt đẹp của Việt Nam với các nước láng giềng;
- Nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là quốc gia mạnh về biển trong khu vực;
- Nâng cao nhận thức tầm quan trọng của đại dương đối với cuộc sống, sức khỏe của con người, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cán bộ, công chức, viên chức và các thành phần xã hội. Góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay;
Yêu cầu:
- Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018 phải thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh;
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, nhất là các đơn vị làm công tác tuyên truyền biển hải đảo để tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 5 đến hết tháng 6/ 2018 (tập trung ngày 01/06 đến ngày 06/8)