Môi trường

Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý chất thải rắn: Đồng bộ các giải pháp

Linh Nga 14/09/2023 - 09:27

(TN&MT) - Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, 98% chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở đô thị và 80% CTRSH tại nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tỉnh ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong xử lý chất thải rắn (CTR) nhằm phát triển bền vững.

Đề ra nhiều mục tiêu cụ thể

Ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý CTRSH mặc dù đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đã có sự chuyển biến, đạt được nhiều kết quả nhất định, tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra về hiệu quả và chưa mang tính bền vững. Đơn cử, tính tới thời điểm hiện tại, khối lượng CTRSH phát sinh được thu gom trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 950 tấn/ngày, nhưng hầu như chưa được phân loại, chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả chưa cao.

a2-phan-loai-rac-tai-nguon.jpg
Tiếp tục bố trí các điểm tập kết chất thải, rác thải phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường

Trước thực tế đó, xác định công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý CTR, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTR; mở rộng mạng lưới thu gom CTR; thúc đẩy phân loại CTR tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTRSH, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTRSH.

Cùng với đó, phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh CTR gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do CTR gây ra; góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, có 98% tổng lượng CTRSH ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu; đến hết năm 2025, sẽ giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đầu tư mới cơ sở xử lý CTRSH bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Có 90 - 95% bãi chôn lấp CTRSH tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn đạt trên 30%.

Đồng thời, có 80% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, vận chuyển tới những cơ sở tái chế và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn xã nông thôn mới đạt trên 30%; 100% CTR nguy hại từ các hoạt động sản xuất, cơ sở y tế và 85% CTR nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp. Đến năm 2030, tỷ lệ CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu là 100%, trong đó, 90% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý CTR; đề ra cơ chế chính sách và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH; phân loại CTRSH tại nguồn. Trong đó, chú trọng tới việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

a1-rac-chon-lap-tai-khu-xu-ly-tap-trung-toc-tien.jpg
Khoảng 950 tấn CTRSH được thu gom mỗi ngày và xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ)

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng điểm tập kết, trạm trung chuyển và hiện đại hóa trang thiết bị thu gom CTR sau phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch khu dân cư, làm sạch bãi biển tại địa phương; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Nhằm hoàn thành được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư áp dụng phương pháp xử lý CTR bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý, qua đó hạn chế tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển.

Ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Việc xử lý CTRSH là một trong những thách thức hiện nay, bởi thực trạng xử lý chôn lấp CTRSH vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa lãng phí nguồn tài nguyên. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm thực hiện các dự án xử lý CTRSH bằng công nghệ cao, thân thiên với môi trường. Trước mắt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho các, sở, ngành và các địa phương có liên quan triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) và tại huyện Côn Đảo. Công suất xử lý khoảng 1.000 tấn/ngày đêm; tổng mức đầu tư các dự án là 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRSH, rác thải nhựa khó phân hủy, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý chất thải rắn: Đồng bộ các giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO