Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều khó khăn trong quản lý, khai thác quỹ đất công

20/10/2018 11:54

(TN&MT) - Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất công ở một số địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều bất cập, dẫn đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách địa phương; đồng thời, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất sạch, làm lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

cong1
Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường quản lý, không để lấn chiếm, mua bán đất công trái pháp luật
 

Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích đất công trên địa bàn toàn tỉnh là 10.211,20 ha. Trong đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý 51 khu đất với tổng diện tích 548,39 ha. Cấp huyện quản lý 1.422,99 ha đối với đất công đã sử dụng ổn định vào các mục đích trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, an ninh quốc phòng, công cộng; 3.390,49 ha đất công ích cho đất công trình, trụ sở cũ và đất đã thu hồi nhưng chưa giao, đất chưa sử dụng; 523,39 ha đất bãi bồi…

Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác quỹ đất công hầu hết ở các địa phương trong tỉnh đều hạn chế, bất cập. Cụ thể, diện tích đất giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là 548,39 ha, trong đó, quỹ đất công thuộc diện đất sạch, đất có điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất hầu như còn rất ít. Các diện tích giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý còn phức tạp do phải giải quyết các tranh chấp, khiếu nại phức tạp...

Đơn cử, tại khu đất nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam với diện tích là 109,67 ha, ở phường 10, phường 11, TP.Vũng Tàu, nguồn gốc từ vụ án Epco - Minh Phụng vẫn còn nhiều tranh chấp, khiếu nại. Hiện có trên 83 trường hợp, khiếu nại đất trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Epco - Minh Phụng năm 1996 - 1997 chưa xử lý được. Do đó, người dân vẫn còn cư ngụ, sinh sống, canh tác trên lô đất công; 20 hộ kinh doanh dịch vụ biển tại khu vực Trung tâm nhận bàn giao; các lô đất không có mốc giới tại thực địa nên gây khó khăn cho công tác quản lý quỹ đất.

Bên cạnh đó, qua các kết quả rà soát cũng cho thấy sự không thống nhất về định nghĩa đất công cũng đã  xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến việc thống kê, quản lý đất chưa chính xác. Cụ thể, tại TP.Bà Rịa chỉ nêu phần đất công ích; huyện Long Điền phần diện tích không thống kê sông suối, cơ sở hạ tầng và đất trụ sở cơ quan; huyện Châu Đức diện tích thấp do chỉ thống kê các khu đất dôi dư chưa được thu hồi và đất công ích thiếu nhiều vị trí; thị xã Phú Mỹ, năm 2016 rà soát có tổng số 3.087,96 ha đất công do thống kê cả diện tích sông ngòi, kênh rạch, giao thông, thủy lợi, nhưng trong năm 2017 chỉ có 237,08 ha…

Ngoài ra, diện tích đất công do cấp huyện quản lý phần lớn không có hồ sơ quản lý và các thửa đất nằm rải rác, xen kẽ do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý và thống kê diện tích đất công; Công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến người dân lấn, chiếm sử dụng đất công...

cong2
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hoàn thiện các thủ tục để đấu giá trụ sở làm việc cũ
 

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khai thác quỹ đất công còn gặp nhiều khó khăn trong việc đấu giá quyền sử dụng đất. Bởi yêu cầu các lô đất đấu giá phải chặt chẽ về các thủ tục như về bản đồ vị trí, quy hoạch, đất sạch hoàn toàn… nên việc lập phương án phải qua nhiều bước, việc xin kinh phí triển khai thực hiện kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, một số lô đất khi đã xử lý vướng mắc, lập phương án chuẩn bị đấu giá thì điều chuyển cho các tổ chức khác sử dụng nên số lượng đấu giá không cao; một số lô đất kéo dài thời gian do phải có kinh phí để bồi thường, lập quy hoạch, giải quyết khiếu nại xong mới xây dựng được phương án đấu giá; việc đấu giá quyền sử dụng đất khi thu đều nộp vào ngân sách, nhưng lại chưa có cơ chế tài chính hợp lý để chủ động trong kế hoạch đấu giá hàng năm…

Việc quản lý, khai thác quỹ đất công sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án góp phần tận dụng được nguồn tài nguyên đất đai sẵn có của tỉnh, tạo vốn cho Ngân sách tỉnh để thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch, bố trí tái định cư lại cho người dân. Mặt khác, từ nguồn đất công, đất có giá trị kinh tế cao được đấu giá sẽ khai thác tốt các nguồn lực từ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó có những đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.

Do vậy, để khắc phục những tồn tại, khó khăn, trước mắt các huyện, thị, thành phố cần rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công sai mục đích; chấm dứt hợp đồng ký không đúng thời gian và không đúng đối tượng theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công trái pháp luật...

Về giải pháp quản lý tổng thể, lâu dài, mang tính ổn định cao đối với quỹ đất công thì cơ quan quản lý cấp huyện cần thực hiện việc rà soát, kiểm kê thực địa, lập hồ sơ các khu đất do địa phương quản lý, sử dụng; trong trường hợp cần thiết tiến hành cắm mốc, đo đạc để có kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng bị lấn chiếm; lập thủ tục kê khai đăng ký đất đai đối với các khu đất do cấp xã đang quản lý; giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công.

Còn đối với quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã thì thực hiện việc cho thuê theo đúng quy định, việc cho thuê đất phải công khai, rõ ràng, minh bạch; nghiêm cấm việc tự ý lấy đất công hoán đổi với tổ chức, cá nhân...; xác định quỹ đất có lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ; lập danh mục quỹ đất bán đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu ngân sách; đưa danh mục quỹ đất bán đấu giá vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp tỉnh và cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều khó khăn trong quản lý, khai thác quỹ đất công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO