Bà Rịa – Vũng Tàu: Lần đầu tiên đánh giá chất lượng đất

30/06/2016 00:00

(TN&MT) - Tài nguyên đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang bị xói mòn với cường độ mạnh và quy mô ngày càng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và phát triển kinh tế, xã hội. Điều tra thoái hóa đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch sử dụng đất hiệu quả. Do đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung điều tra, đánh giá chất lượng đất và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả điều tra thoái hóa đất.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đất bị suy thoái là những loại đất do những nguyên nhân tác động nhất định theo thời gian đã và đang mất đi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu trở thành các loại đất mang đặc tính và tính chất không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng nông, lâm nghiệp…Do vậy để xác định diện tích đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ xây dựng chỉ tiêu thống kê diện tích đất bị thoái hóa thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Qua đó, đánh giá được thực trạng thoái hóa đất theo loại đất và loại hình thoái hóa, xác định cụ thể nguyên nhân cũng như xu thế và các quá trình thoái hóa đất, làm cơ sở đề xuất chính sách, biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, góp phần phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững phục vụ yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà, thời gian qua Sở TN&MT đã thực hiện điều tra, đánh giá thoái hóa đất trên phạm vi toàn tỉnh (không tính huyện Côn Đảo).

Diện tích đất bị thoái hóa hóa do bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ngày càng gia tăng
Diện tích đất bị thoái hóa hóa do bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ngày càng gia tăng

Theo đó, Sở đã xây dựng bộ bản đồ chuyên đề về thoái hóa đất, bao gồm bản đồ độ phì nhiêu của đất; đất bị khô hạn, xói mòn; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị mặn hóa. Đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ cho điều tra thoái hóa đất, chọn bản đồ nền địa hình; thực hiện nhóm các tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thoái hóa đất, tài liệu, số liệu, bản đồ về kinh tế - xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất. Sau đó đánh giá lựa chọn các thông tin đã thu thập, xử lý, tổng hợp, chỉnh lý các loại bản đồ chuyên đề, xác định nội dung và kế hoạch điều tra thực địa…

Cụ thể, diện tích điều tra đất thoái hóa theo đơn vị hành chính gồm 7 huyện, thành phố (không tính huyện Côn Đảo) là 142.215 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là trên 105.000 ha; đất lâm nghiệp là trên 27.000 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 5.173 ha; đất làm muối là 1.149ha; đất nông nghiệp khác là 769 ha và đất chưa sử dụng là 2.724 ha. Kết quả điều tra cho thấy 64,59% diện tích đất, tương đương 91.860 ha bị thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, nhiễm mặn, trong đó có đến 40.473 ha thoái hóa ở mức trung bình, 13.406 ha thoái hóa ở mức nặng. Diện tích đất thoái hóa do xói mòn lớn nhất, tiếp đến là đất thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa, suy giảm độ phì, do kết von và đất thoái hóa do mặn, phèn hóa. Đất thoái hóa do xói mòn tập trung nhiều ở địa bàn huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức. Điều đó cho thấy, tình trạng đất bị thoái hóa do khô hạn đang gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng theo kết quả tính toán, dưới tác động của các áp lực gia tăng dân số, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu, xu thế thoái hóa đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng mở rộng về diện tích.Trong đó, quá trình xói mòn, rửa trôi bề mặt và thoái hóa hóa học do mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp thiếu các biện pháp bảo vệ đất. Hậu quả dẫn đến suy giảm mạnh các chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, làm mất khả năng sản xuất của đất…

Do đó, để sử dụng đất bền vững, hạn chế được các quá trình thoái hóa đất, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả thực hiện điều tra thoái hóa đất kỳ đầu trên địa bàn tỉnh. Giao cho Sở TN&MT phối hợp với cơ quan lên quan sử dụng kết quả điều tra để làm căn cứ quy hoạch sử dụng đất các cấp trên đại bàn tỉnh, nhằm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với thực trạng đất; triển khai giải pháp ứng phó với hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, giao cho các sở, ngành, địa phương hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại đất cụ thể để giữ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất làm tránh thoái hóa đất như xây dựng hệ thống kênh mương đưa nước về các vùng đất khô hạn, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân vô cơ, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại làm mất khả năng của đất.

   Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Lần đầu tiên đánh giá chất lượng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO