(TN&MT) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều trang trại, nông trại sản xuất rau, củ, quả, hoa… ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Các trang trại này không chỉ được nhiều người dân địa phương và khách du lịch yêu thích, khám phá các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, trồng trọt mà đến đó họ còn được tự tay mình chọn mua những sản phẩm ngon – sạch mang về.
NHỮNG “NÔNG TRẠI” ỨNG DỤNG KH-CN VÀO SẢN XUẤT
Theo thống kê của Sở KH-CN, hàng năm có gần 10 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN được triển khai và ứng dụng, trong có đến 80% thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nhiều đề tài, dự án phát huy hiệu quả cao như: áp dụng quy trình sản xuất, xây dựng nhà lưới, nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau ở huyện Tân Thành, Đất Đỏ; trồng bưởi da xanh ở huyện Xuyên Mộc; trồng thanh long ruột đỏ tiêu chuẩn VietGap ở huyện Xuyên Mộc; trồng và chế biến ca cao đạt chuẩn toàn cầu (UTZ) ở huyện Châu Đức...
Vườn sầu riêng rộng 2ha của gia đình ông Trần Hữu Dụng, tổ 5, ấp Tây, xã Long Phước (TP. Bà Rịa) có 30 cây đang mùa thu hoạch. Ông Dụng cho biết, năm 2014, vườn của ông được Sở KH-CN chọn để thực hiện dự án cải tạo và thâm canh vườn sầu riêng. Theo hướng dẫn của Trung tâm giống cây ăn quả miền Nam và Sở KH-CN ông Dụng thay đổi quy trình chăm sóc cây sầu riêng từ các loại phân hóa học chuyển sang sử dụng phân bò hoai, phân Urea (46% N), phân Super lân (16,5% P205), phân Clorua kali (60% K20)… Sau 3 mùa thu hoạch, tỷ lệ nhiễm một số sâu bệnh hại chính như rầy phấn, nhện, sâu đục trái, rệp sáp phấn... trên cây sầu riêng vườn ông Dụng đã giảm hẳn. “Năng suất mỗi cây sầu riêng giống Thái vẫn giữ ở mức 4-5 tạ/cây. Nhưng nhờ cách chăm sóc mới, chi phí giảm khoảng 20% so với trước đây, tính ra lãi ròng tôi thu được sau mỗi mùa sầu riêng khoảng 40-50 triệu đồng. Đáng nói là chất lượng múi đều hơn, cơm sầu riêng ngon hơn. Và khi tham gia dự án này của Sở KH-CN, nhiều người dân xa gần đều dặn tôi, có sầu riêng rụng thì bán cho họ chứ không cần đợi thương lái đến mua”, ông Dụng nói.
Trang trại ViFarm (đường ven biển, phường 12, TP. Vũng Tàu) vừa được Sở KH-CN chọn tham gia triển lãm giới thiệu về mô hình trang trại ứng dụng KH-CN hiện đại trong sản xuất nông nghiệp tại hội nghị “Triển khai và phát động chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT” diễn ra cuối tháng 4 vừa qua. Giới thiệu với khách tham quan, anh Cao Nhật Anh Tú, người đồng sáng lập ViFarm cho biết, nông trại của anh đang ứng dụng công nghệ trồng rau trên giàn thủy canh hồi lưu, với các loại rau như: rau muống, cải thìa, cải ngọt, bẹ xanh mỡ, xà lách tím, cà chua bi... Trung bình mỗi tháng, trang trại cung ứng khoảng 5 tấn rau ra thị trường. Các sản phẩm của ViFarm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT tỉnh.
MANH NHA DU LỊCH TRANG TRẠI
Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, gọi điện cho anh Cao Nhật Anh Tú, người đồng sáng lập ViFarm để hẹn lịch dẫn gia đình lên tham quan trang trại, anh Tú cho biết, đã có hơn 10 gia đình và đoàn khách đăng ký tham quan trong dịp này. Anh Tú kể, mặc dù chỉ mới thành lập được 1 năm, diện tích của trang trại còn hạn chế (khoảng 4.000m2 với 52 giàn thủy canh hồi lưu) nhưng khoảng 3-4 tháng nay, nhiều người dân địa phương và cả khách du lịch đã đăng ký đến tham quan công nghệ trồng rau của ViFarm. Đến đây, khách có thể vừa tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh giữa vườn rau sạch, đặc biệt khách có thể tự tay thu hoạch rau, củ để mua mang về, thậm chí thưởng thức ngay tại vườn. Hiện giá cải thìa do ViFarm sản xuất được bán tại vườn với giá 32.000 đồng/kg; rau muống 29.000 đồng/kg; cải ngọt 29.000 đồng/kg; xà lách tím 94.000 đồng/kg; cà chua giá 100.000 đồng/kg.
Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cũng là một trong những nông trại tiêu biểu được nhiều khách du lịch chọn đến. Theo ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Thành Đạt xuất phát từ mong muốn xây dựng thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm ca cao của tỉnh, công ty đã tổ chức các tour du lịch để giới thiệu cho khách hàng của công ty. Theo đó, du khách đến đây không chỉ được thưởng thức các sản phẩm chế biến từ ca cao như sôcôla, rượu ca cao, bột ca cao, nước ép ca cao… mà còn tận mắt tham quan vườn cây giống, vườn ca cao và quy trình chế biến ca cao thành phẩm. Hiện tại, công ty đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như khu đón tiếp khách, sản xuất chế biến nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách. Ông Trịnh Văn Thành cho biết thêm, trung bình mỗi tháng có khoảng 200 lượt khách du lịch về Xà Bang nghiên cứu và trải nghiệm từ vườn trồng cacao đến sản xuất chế biến ca cao tại chỗ của công ty. Đặc biệt, khách quốc tế đến từ Hà Lan, Ấn Độ, Indonesia rất thích thích cacao Việt Nam và mong muốn được mua những sản phẩm từ cacao Việt Nam.
Theo một số đơn vị du lịch lữ hành, thời gian gần đây, các công ty đã bắt đầu mạnh dạn đưa các nông trại công nghệ cao như Công ty TNHH ca cao Thành Đạt; vườn lan Minh Ngân (huyện Đất Đỏ); trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Đinh Nam Định (huyện Tân Thành); Nông trại rau sạch Sunny Farm, trang trại ViFarm (Phường 12, TP. Vũng Tàu)... vào điểm đến trong các tour du lịch phục vụ khách và được nhiều khách du lịch hào hứng đón nhận.
Bài, ảnh: Yến Nhi