Doanh nghiệp và người dân tham gia làm sạch bờ biển tại TP. Vũng Tàu |
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay toàn tỉnh có 12/15 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, trong đó tất cà 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định.; tỉnh cũng có 04 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động và đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 01 CCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, 03 CCN còn lại đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Tất cả CCN đều truyền số liệu quan trắc nước thải tự động về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài các KCN, CCN tập trung chủ yếu hoạt động vào các lĩnh vực chế biến hải sản, du lịch, khách sạn, chăn nuôi, chế biến cao su và từ các bệnh viện, trung tâm y tế cũng thực hiện khá tốt. Cụ thể, 100% nước thải từ hoạt động chế biến cao su đã được xử lý; nước thải từ hoạt động kinh doanh du lịch đã qua xử lý 75%; nước thải phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế qua hệ thống xử lý khoảng 96%; nước thải tại các cơ sở chế biến hải sản đã qua hệ thống xử lý khoảng 85%; nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm qua hệ thống xử lý biogas khoảng 75%...
Song song đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn quan tâm đến việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị với tổng công suất 144.000 m3/ngày.đêm; 19 dự án xử lý chất thải do doanh nghiệp đầu tư với tổng công suất 6.700 tấn/ngày, trong đó rác thải sinh hoạt 07 dự án, rác thải nguy hại 06, rác thải công nghiệp 05 dự án, rác thải y tế 01 dự án…
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát chất lượng môi trường. Theo đó, tỉnh cũng đã bố trí nguồn vốn để mở rộng, phủ kín mạng lưới quan trắc tự động khí thải, nước thải trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư được 06 trạm quan trắc tự động nước mặt tại các hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Châu pha, hồ Quang Trung, suối liên hiệp giao với suối chà rang thuộc khu du lịch Green farm...; đầu tư 03 trạm quan trắc tự động không khí tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, khu vòng xoay đài phun nước TP. Bà Rịa; ngã tư giếng nước TP. Vũng Tàu; trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm, thiết bị phòng quan trắc và thiết bị phục vụ tiếp nhận giám sát hệ thống quan trắc tự động...; đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường của Sở TN&MT để tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động và khí thải nhằm cảnh báo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về BVMT.
Về vấn đề xử lý hơn 70.000 tấn rác tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát - huyện Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định số 2206/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả đánh giá của Hội đồng xét chọn đối tác xử lý rác tồn đọng bằng công nghệ đốt tại khu vực Bãi Nhát, theo đó, đã chọn Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Kim Trường Phát - Công ty Cổ phần H-T Giang San xử lý rác tồn đọng trên nhằm đảm bảo môi trường cho người dân và khách du lịch tại huyện đảo.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải ở khu dân cư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện khu chế biến hải sản tập trung để sớm di dời các cơ sở chế biến hải sản có phát sinh nước thải, khí thải gây ảnh hưởng tới môi trường, nhằm hướng tới môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đó, đến nay hạ tầng 02 khu chế biến tập trung tại xã Lộc An - huyện Đất Đỏ và xã Bình Châu - huyện Xuyên Mộc đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng công tác di dời các cơ sở chế biến hải sản; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu tiểu thủ công nghiệp tại Long Phước và Hòa Long, thành phố Bà Rịa phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Đồng thời, đang nghiên cứu đầu tư thêm đầu tư thêm Khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền…
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có phương án xử lý dứt điểm hơn 70.000 tấn rác tồn đọng tại huyện Côn Đảo |
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hiện nay công tác quản lý, BVMT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nơi vẫn chưa được xử lý triệt để, nhất là ở một số điểm nóng về môi trường.
Ông Đặng Sơn Hải cũng cho biết, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý gây ra; tăng cường quản lý địa bàn không để xảy ra tình trạng đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trái phép, không phép trên địa bàn quản lý.
Riêng đối với Sở TN&MT, thời gian tới, Ssẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ mang tính chuyên ngành như: Tăng cường phối hợp với các Viện, Trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành về môi trường tham gia đề xuất kiến nghị giải quyết các vấn đề môi trường của tỉnh mang tính độc lập; thực hiện tốt công tác giám sát khí thải, nước thải; yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt quan trắc tự động nước thải, khí thải thực hiện và truyền dữ liệu quan trắc tự động về Trạm điều hành trung tâm của Sở nhằm quản lý, giám sát liên tục 24/24h.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, các địa phương tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác BVMT, trong đó sẽ vào các hoạt động, các chương trình hành động mang tính thiết thực về môi trường; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về BVMT.