Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có 3 văn bản bác bỏ Tờ trình đề nghị xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Ninh Bình, Quảng Nam và Bình Thuận.
Văn bản trả lời của Bộ NN&PTNT đối với đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình |
Một trong ba dự án có việc UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi. Lý giải của Bộ này, theo các quy định hiện hành "không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản...". Do vậy, dự án không được chuyển đổi rừng.
Theo Điểm b Khoản 3 Điều 41a bổ sung (Khoản 2 Điều 1) Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định: “... Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản...”.
Việc ‘tuýt còi’ đối với các địa phương này trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi xung quanh những hệ lụy của thủy điện gây mất rừng có liên quan đến lũ lụt lịch sử miền Trung được xem là biểu hiện tích cực mới nhất, có thể cùng lúc đạt tới ba mục tiêu: bảo vệ được rừng, chống khai thác tài nguyên tràn lan và giữ trật tự kỷ cương.
Thực tế, câu chuyện ba dự án bị từ chối chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’. Bởi, trong báo cáo của Bộ này gửi lên Chính phủ mới đây, khiến nhiều người bất ngờ khi thủ phạm làm mất diện tích rừng nhiều nhất lại không phải là “lâm tặc” với các vụ phá rừng vi phạm pháp luật. Bằng chứng là chỉ tính trong 5 năm 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm, gấp gần 9 lần các hành vi phá rừng trái pháp luật do chỉ làm mất 11% tổng diện tích rừng giảm.
‘Rừng co - lũ to’. Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả nhà quản lý, nhà kinh tế cũng đều nhận thức được giá trị to lớn, đa dạng của rừng cũng như những thảm họa khốc liệt khôn lường của sự suy giảm tài nguyên rừng. Nhưng khi xây dựng chính sách, tính toán chi phí để quản lý, bảo vệ, ngăn chặn sự suy giảm tài nguyên rừng, người ta lại quên đi những giá trị và hiểm họa ấy. Đơn giản chỉ là phép trừ sơ cấp (đánh đổi rừng tự nhiên) đến lạnh lùng và khi mới đây, lũ lụt kinh hoàng đã cướp đi nhiều mạng người và hàng vạn hộ dân miền Trung trong cảnh màn trời chiếu nước.
Rõ ràng, tư duy kinh tế chỉ dừng ở phép tính trừ mà không hề biết đến bài tính cộng thêm những giá trị xã hội - sinh thái - môi trường, nhất là những tổn thất sẽ không xảy ra cũng như những khoản kinh phí khổng lồ không phải chi ra để khắc phục hậu quả, thiệt hại không gì bù đắp được về tính mạng con người và nguồn sinh kế của đại đa số dân nghèo vùng lũ lụt sau khi cái gọi là 'thiên tai' đi qua.
Ai giữ rừng? Rừng của ai? Câu hỏi đó thường xuyên bị quên lãng khi nhiều nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp khi đứng trước rừng, bắt đầu nói về du lịch văn hóa, về homestay, farmstay, về khai thác khoáng sản, thủy điện lớn - nhỏ…
Thử hỏi liệu gắn những tấm biển homestay, farmstay vào những mái nhà sàn, hay đặt những dự án khai khoáng, dự án thủy điện... giữa đại ngàn liệu có giữ được rừng?!
3 dự án chuyển đổi rừng tự nhiên bị từ chối
UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 38 ha rừng để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền II của nhà máy xi măng Duyên Hà (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư).
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110 kV, quy mô 45,41 ha.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh .