Xã hội

Ba Chẽ thoát nghèo từ trồng rừng

Phạm Hoạch 26/09/2023 17:47

(TN&MT) - Những năm qua, huyện miền núi Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm khai thác lợi thế tự nhiên, phát huy thế mạnh từ rừng, phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Trồng rừng hướng đi bền vững

Ðể đạt mục tiêu đề ra, huyện Ba Chẽ đã có nhiều giải pháp, cùng các cơ chế, chính sách chỉ đạo về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp.

Ba Chẽ có diện tích tự nhiên gần 69.000ha, trong đó hơn 90% là rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng rừng đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gỗ các loại, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế lâm nghiệp, cũng như góp phần ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với đó, huyện Ba Chẽ đang phát triển các loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như ba kích, trà hoa vàng, nấm lim.

anh-bc-02(1).jpg
Vườn ươm cây giống tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ở huyện miền núi Ba Chẽ

Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình ở Ba Chẽ đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Ông Triệu Cắm Thành ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ là một trong những hộ mạnh dạn chuyển 3ha trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn. Ông Thành chia sẻ, trước đây, gia đình trồng keo lấy gỗ, nhưng được cán bộ xã giải thích về lợi ích, giá trị kinh tế của cây gỗ lớn và chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã quyết định thu hẹp diện tích rừng keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn như lim, quế, xen với cây dược liệu cho giá trị cao như ba kích, trà hoa vàng, cho thu nhập ổn định.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã trồng được hơn 280ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là lim, lát, dổi, 432ha cây bản địa như quế, hồi, thông và trên 72 ha cây dược liệu ba kích, trà hoa vàng, cát sâm. Hiện, Ba Chẽ chú trọng phát triển các cây lâm nghiệp có giá trị cao, cây gỗ lớn, tập trung tái tạo rừng lim, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ gắn sản xuất với chế biến lâm sản, dược liệu.

Thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019- 2025, huyện Ba Chẽ xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thoát nghèo nhờ rừng

Những năm qua, huyện Ba Chẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực đăng ký tham gia thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn loài cây lim, lát, dổi. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cây bản địa gồm quế, thông và cây dược liệu ba kích, trà hoa vàng, cát sâm là những loại cây cho giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.

Từ việc hăng hái đăng ký chuyển đổi từ cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị cao, nhiều hộ đồng vào vùng DTTS trên địa bàn huyện đã bàn bạc, liên kết cùng nhau thành lập tổ, nhóm, HTX phát triển nghề rừng để sản xuất theo hướng tập trung, cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

anh-bc-03(1).jpg
Vỏ quế sau khi khai thác được HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ thu gom, chế biến mang đi tiêu thụ

Năm 2020, anh Triệu Quay Phúc cùng một số người đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, gồm 11 thành viên do anh làm Giám đốc. Ngay sau khi thành lập, HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 90 hộ dân trong xã với gần 180ha quế, nhiều khu rừng đã đến kỳ thu hoạch do bà con trồng từ trước đó. Anh Phúc cùng các thành viên trong HTX còn làm vườn ươm sản xuất giống cây quế bán cho bà con trong thôn, xã.

Từ khi tham gia vào mô hình liên kết với HTX, nhiều hộ bà con DTTS trong thôn, xã có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm nhờ cây quế, đời sống kinh tế ổn định, thoát cảnh đói nghèo, xây được nhà mới và cho con cái học hành đầy đủ- anh Phúc chia sẻ thêm.

Cùng với đó, huyện Ba Chẽ khuyến khích người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ đó người sản xuất có vốn để tu bổ, chăm sóc rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Từ đó, qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng cho thu nhập, tiếp đó là quế, hồi, sa mộ cho thu hoạch và chục năm sau sẽ là những cánh rừng lim, lát, dó bầu tỏa bóng xanh mát.

Thời gian tới, huyện Ba Chẽ đẩy mạnh việc rà soát diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh để kinh doanh rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định, để người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS an tâm bám đất, bám rừng- Ông Vi Thanh Vinh cho biết thêm.

Với hướng đi trọng tâm là phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, lấy trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu làm mũi nhọn, đang là hướng đi đúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, là tiền đề để huyện miền núi Ba Chẽ hoàn thành mục tiêu đề ra toàn huyện không còn hộ nghèo, không có hộ tái nghèo và phát sinh nghèo trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Chẽ thoát nghèo từ trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO