Australia - Việt Nam cùng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tống Minh (thực hiện)| 09/10/2019 21:40

(TN&MT) – Tại Tuần lễ Kĩ năng và Đổi mới sáng tạo đang diễn ra ở Việt Nam, bà Rebecca Bryant – Đại diện lâm thời Đại sứ quán tại Australia (ảnh) khẳng định: Xây dựng một mối quan hệ sâu sắc, bền chặt giữa hệ thống đổi mới sáng tạo của hai nước là một trong những mục tiêu chính trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa Australia với Việt Nam.

2minh
Bà Rebecca Bryant – Đại diện lâm thời Đại sứ quán tại Australia

PV: Xin bà cho biết ý nghĩa của Tuần lễ Kĩ năng và Đổi mới sáng tạo? Tuần lễ này có những hoạt động nào, thưa bà?

Bà Rebecca Bryant: Tuần lễ Kĩ năng và Đổi mới sáng tạo do Đại sứ quán Australia phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ đồng tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 8-11/10/2019. Sự kiện này được kì vọng sẽ là dịp để các bên liên quan từ các bộ ngành, các viện, trường, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ những khó khăn thách thức trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – chìa khóa cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, cũng như tìm hiểu và lắng nghe các kinh nghiệm từ Australia trong việc phát triển kinh tế xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ tuần lễ, chúng tôi tổ chức Hội thảo ASPIRES về “Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với khoa học và nghiên cứu” vào ngày 8/10; Lễ công bố và trao giải thưởng “Đối tác Đổi mới sáng tạo” ngày 9/10; Hội thảo “Australia và Việt Nam – Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo” ngày 9/10.

Hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất là ba dự án đã được chọn từ cuộc thi Đối tác Đổi mới sáng tạo vòng 1 được chúng tôi tài trợ vốn hơn 1,6 triệu đô la Úc để triển khai. Đó là dự án chuyển giao mô hình nghiên cứu và ứng dụng trong xử lý nước và các hệ thống giám sát sử dụng công nghệ 4.0; công nghệ sản xuất hóc môn giúp nâng cao năng suất nuôi hải sâm; và phương pháp mới tạo ra bước ngoặt trong việc chẩn đoán ung thư vú. Được lựa chọn từ 115 hồ sơ, ba dự án này có những sáng kiến xuất sắc, có triển vọng tạo ra tác động kinh tế và xã hội tích cực.

3minh
Bà Rebecca Bryant – Đại diện lâm thời Đại sứ quán tại Australia (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng cho các đơn vị đạt giải tại Cuộc thi Đối tác Đổi mới sáng tạo

PV: Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam mới được khởi đầu. Australia có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thưa bà?

Bà Rebecca Bryant: Bài học chúng tôi rút ra trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chính là giá trị và tầm quan trọng của việc hợp tác, kết nối giữa các bên. Với sự hợp tác, chia sẻ thông tin, Australia đã thành công với sự thành lập của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Canberra (CBRIN). Đây là mạng lưới hàng đầu kết nối các doanh nghiệp, chính phủ, giới hàn lâm với các doanh nhân và nhà sáng tạo để tạo ra tác động trong xã hội.

Bài học thứ hai là từ phía chính phủ và các Bộ, ngành cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Năm 2018, Chính phủ Australia đã công bố chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Chiến lược này đưa ra là để giải phóng sức sáng tạo trong xã hội cũng như cộng đồng ở Australia. Trong chiến lược này, chúng tôi đã nêu rất rõ nhiệm vụ các bên. Một trong những điểm nổi bật là chúng tôi khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo. Đây là động lực của sự phát triển kinh tế trong tương lai. Đây cũng là cách thức mà Australia đang thực hiện trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, một vấn đề rất quan trọng là tài chính. Chính phủ có thể cấp vốn ban đầu cho các dự án để các dự án này có thể phát triển.

PV: Có thể thấy Australia có nhiều mô hình và bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể học hỏi. Vậy Australia có kế hoạch gì để hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới?

Bà Rebecca Bryant: Cuộc thi Đối tác Đổi mới sáng tạo vòng 2 sẽ được chúng tôi tiếp tục triển khai vào cuối năm nay với trị giá 2,4 triệu đô la Úc. Tất cả các đơn vị, các trường, các cơ sở ở Việt Nam đang hợp tác với Australia có thể hoàn thiện hồ sơ gửi đến, chúng tôi sẽ sàng lọc và hỗ trợ họ tương tự như 3 đơn vị đã đạt giải trong đợt 1.

Có thể nói, xây dựng một mối quan hệ sâu sắc, bền chặt giữa hệ thống đổi mới sáng tạo của hai nước là một trong những mục tiêu chính trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa chúng tôi với Việt Nam. Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo là một cơ hội tuyệt vời để ươm mầm các ý tưởng sáng tạo và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hiện có giữa các tổ chức của Australia và Việt Nam. Tôi rất vui khi được chứng kiến sự hợp tác ngày càng nở rộ giữa các trung tâm nghiên cứu của hai nước.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đổi mới sáng tạo bao gồm các sản phẩm và dịch vụ mới; những công nghệ và quy trình sản xuất mới; thị trường mới, các mô hình kinh doanh và cách truyền thông mới; và hơn hết là có những cách tư duy mới. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, đổi mới sáng tạo chỉ thực sự đi vào thực tiễn khi có một hệ sinh thái hỗ trợ, một cộng đồng nơi những ý tưởng mới được nuôi dưỡng và những thành công được nhân rộng. Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với các quốc gia để cùng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ đó có thể tạo ra sự thay đổi và mang lại sự bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Australia - Việt Nam cùng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO