Môi trường

ASEAN thống nhất hành động hướng tới thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal

Tin từ Đoàn Công tác tham dự chuỗi Hội nghị ASOEN 34 tại Bogor, Indonesia 02/08/2023 14:33

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 34 (ASOEN 34) năm 2023, tại thành phố Bogor, Indonesia, Hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học (PSC) và Hội nghị Hội đồng quản trị của Trung tâm Đa dạng sinh học (ACB) lần thứ 25 đã được tổ chức ngày 31 tháng 7 năm 2023.

anh-1.jpg
Đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị

Hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học (PSC) đã nghe báo cáo của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN về chuỗi các hoạt động hợp tác giữa ASEAN (thông qua Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN) và Đức, tập trung vào các nội dung chính: tăng cường hiệu quả quản lý các Vườn di sản ASEAN (AHP) và cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư vùng đệm; tăng cường năng lực thể chế của ACB thông qua hỗ trợ kỹ thuật.

Hội nghị cũng đã được nghe các ý tưởng hợp tác mới trong thời gian tới, tập trung vào hỗ trợ triển khai một số nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal (GBF), đã được Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học thông qua vào tháng 12 năm 2022 tại Canada.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng chủ yếu tập trung vào việc tăng cường lồng ghép đa dạng sinh học trong các lĩnh vực liên quan như tài chính, giáo dục, du lịch, y tế,...; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu ASEAN về đa dạng sinh học do ACB là đầu mối thông tin; chương trình Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN nhằm truyền cảm hứng đến cộng đồng ASEAN về trách nhiệm đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các lĩnh vực này sẽ được ACB thúc đẩy hình thành nên các chương trình, dự án hợp tác thông qua các hội nghị, hội thảo tham vấn, các sự kiện cộng đồng giành cho các Quốc gia thành viên ASEAN.

Các Quốc gia thành viên ASEAN đánh giá cao các hỗ trợ của CHLB Đức trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời, đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo tính bền vững đối với các kết quả đạt được trong các chương trình, dự án vừa qua.

Hội nghị Hội đồng quản trị của Trung tâm Đa dạng sinh học (ACB) lần thứ 25 được tổ chức cùng ngày đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học (PSC), đồng thời, xem xét nhiều dự thảo văn kiện của ASEAN do Nhóm công tác ASEAN và Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (AWGNCB) đề xuất để thông qua.

Một trong những văn kiện quan trọng bao gồm: Kế hoạch hành động ASEAN về loài ngoại lai xâm hại (IAS); quá trình xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN về ngăn chặn suy giảm các loài Động vật hoang dã của ASEAN; đề cử và thông qua 02 Khu bảo tồn của Thái Lan trở thành Vườn di sản ASEAN thứ 56 và 57 của ASEAN; kế hoạch hoạt động của Trung tâm ĐDSH ASEAN năm 2024 và quá trình rà soát thể chế của ACB…

Trong bối cánh Khung GBF đã được thông qua và đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, Hội nghị cũng đã xem xét việc hợp tác giữa ASEAN và Ban thư ký Công ước CBD đối với việc xây dựng Kế hoạch Hành động khu vực về Đa dạng sinh học trên tinh thần hỗ trợ các Quốc gia thành viên ASEAN các phương thức và nguồn lực để triển khai GBF và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP).

Với tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc, Hội nghị đã đề nghị ACB tiếp tục xin ý kiến các Quốc gia thành viên ASEAN đối với dự thảo Kế hoạch Hành động IAS, làm cơ sở để Hội đồng quản lý ACB thông qua và đề xuất lên ASOEN xem xét, quyết định. Hội nghị đánh giá cao kết quả hoạt động của ACB trong năm 2023 trong việc thúc đẩy hợp tác giữa AMS và các đối tác để xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học./.

Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) là tổ chức liên chính phủ được các quốc gia ASEAN ký Hiệp định thành lập nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác trong khối ASEAN; cũng như ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Sau 17 năm thành lập, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đã có những hoạt động hiệu quả, đóng góp rất lớn trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học cho các nước thành viên ASEAN. Các chương trình, hội thảo tập huấn được tổ chức, các giải thưởng về đa dạng sinh học trong đó có Chương trình Vườn Di sản ASEAN. Trung tâm ACB đã được thế giới biết đến với những nỗ lực bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ASEAN thống nhất hành động hướng tới thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO