Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 19/5 |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Từ khi APEC thành lập vào năm 1989 đến nay, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế thành viên đã có những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận tăng 6,7 lần với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống 5,6% vào năm 2014 nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương và đa phương cũng như sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại trong và ngoài khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế APEC và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Cuộc sách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các yếu tố phi công nghệ, có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các lĩnh vực bao trùm và phức tạp như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục...
Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, thương mại được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy quan trọng, giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng các nền kinh tế cần tạo thuận lợi cho dòng chảy tự do của vốn, con người, ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới theo cách thúc đẩy cạnh tranh. Ngoài các chính sách và chiến lược thương mại và đầu tư, các Chính phủ cũng cần phải xây dựng nguyên tắc cốt lõi về chính sách đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển...
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vai trò của đổi mới sáng tạo rất quan trọng đối với khu vực APEC, tuy vậy, các ý kiến cũng cho rằng, khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay là khoảng cách giữa các nền kinh tế còn lớn. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực, các nền kinh tế cần nỗ lực hết mình, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững; đồng thời có các chính sách thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế.
Quang cảnh Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo - phiên họp ngày 19/5 |
Hội nghị bao gồm 5 phiên họp đề cập đến nhiều vấn đề như: Tác động của thương mại và đầu tư đến đổi mới sáng tạo, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong khu vực APEC...
Phiên họp thứ nhất, tập trung bàn luận về vấn đề thương mại, đầu tư ảnh hưởng thế nào đến hoạt động đổi mới. Trong phiên họp này, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm những hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng và tác động của thương mại và đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Phiên họp thứ hai đề cập đến vai trò của các chính sách thương mại và các yếu tố khác của sự đổi mới. Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đề cập đến các yếu tố quan trọng khác của sự đổi mới như thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, các chính sách hiệu quả, nghiên cứu và phát triển (R&D), các hệ thống pháp luật hài hoà, dựa trên khoa học và quốc tế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR)...
Phiên họp thứ ba, tập trung vào vấn đề chuyển giao công nghệ và thương mại hóa. Tại đây, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất, những thách thức hoặc những bài học rút ra từ quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ và thương mại hóa.
Phiên họp thứ tư, tập trung tổng kết các vấn đề chính được trình bày trong buổi sáng và các khuyến nghị của các đại biểu là các Bộ trưởng Thương mại các quốc gia thành viên, nhằm tạo cơ sở đối thoại giữa các Bộ trưởng các nước.
Phiên họp năm, là cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các thành viên APEC tìm hiểu kỹ hơn về mong muốn của cộng đồng DN, tạo điều kiện để khu vực phát triển, hội nhập.
Hải Ngọc - Châu Tuấn