Làng tôi, một cái làng nhỏ xinh ven sông, “nửa đồi núi/nửa ruộng đồng/sông bao quanh làng, bốn bến đò ngang”... Cho đến bây giờ, khi đã quăng quật khắp chốn thị thành, trong một đêm nhớ làng, nhớ mẹ hay nhớ gì loanh quanh chẳng rõ, tôi đã mường tượng về khuôn vóc làng mình như thế.
Đầu làng tôi gối lên bóng lưng Rú Vắp, chân làng tôi xuôi dài phía sông Gianh, cửa biển. Sông thì xanh và núi thì nâu. Xanh cũng ba bảy đường xanh. Sông làng tôi xanh là bởi sông không một chút phù sa, lòng sông là đá vôi, là cuội sỏi. Núi nâu là bởi núi chỉ đá ong, núi trọc đầu, sông và núi cho làng tôi muôn màu đói và khát. Một thời, đã một thời của ông bà, cha mẹ, cả làng tôi như vậy. Quần quật mưa nắng, quần quật ruộng vườn quanh năm, cũng chỉ để... thiếu ăn. Giờ làng tôi nhờ cửa sông, nhờ rong rêu từ biển sạch mà tôm tôm cá cá rồi khá lên.
Làng chỉ cách biển vài ba cây số, chẳng hiểu sao bao nhiêu năm tuổi này tuổi nọ, tôi không có lấy một lần ra nhúng mình xuống biển. Tại không biết bơi, hay tại thời đó tắm biển chưa phải là nhu cầu của mùa hè, chẳng phải là một sự hưởng thụ, nhẽ thế?!
Nghèo đói đóng khung ý nghĩ, nghèo đói có thể không làm con người ta hèn, nhưng chắc chắn sẽ làm cho người ta tự đánh mất nhiều cơ hội, kể cả những cơ hội từ đâu đó kề bên. Mãi những năm ra Huyện học cấp 3, những lối đi về... ngang qua chiếc loa trên đầu trụ điện thị trấn, nghe chị Ngọc Bích hát... tôi mới tò mò, mới tiếc nuối cái thờ ơ của mình với biển. Ừ, thì làm lại vậy, đọc lại vậy, yêu lại vậy, biển quê mình vẫn đấy, vẫn trải hết mình ra đấy chứ đâu, biết bắt đầu thì có bao giờ là muộn.
Và, tôi bắt đầu...
Tôi bắt đầu tìm câu trả lời cho những hoài nghi của mình: Cát ngày xưa có trắng như bây giờ? Cát bảo: cát trắng hơn, bởi bờ xưa không bị quá nhiều bùn đất từ núi trọc cuộn về mùa mưa lũ, cát ngày ấy trắng hơn bởi núi ngày xưa xanh hơn... như em ngày xưa hay cười hơn bây giờ, bởi ngày xưa tóc anh chưa từng nhuốm bạc... ấy là tôi nghe vợ chồng hàng xóm trò chuyện với nhau, trách nhau vậy thôi.
Miền Trung, nơi cái vòng hai duyên dáng eo thon, biển Nhật Lệ, biển Trung Trạch, biển Đá Nhảy quê tôi... mỗi ban mai ra bờ phi lao vươn vai hít thở, dang tay ra phía nào cũng đụng biển. Chẳng phải đặc ân gì cho Quảng Bình, cho miền Trung của tôi, mà từ Bắc chí Nam, biển vẽ đường cho núi non mềm mại. Biển như tấm lụa dài ngày đêm gọi gió về chơi.
Nhờ đặc thù nghề nghiệp, tôi được đi, được sống kề biển nhiều nơi. Hồi nhỏ, mặc định trong đầu: Mặt trời mọc lên từ biển, lặn phía núi. Không phải luôn thế đâu, không phải cứ theo thói quen, nếp cũ thì không sai. Năm 2007, tôi đang quản lý một hạng mục ở khu lấn biển Rạch Giá, nhớ một chiều muộn, khi đang vùi đầu vào tập bản vẽ A0 chằng chịt số má bình đồ thì cô bạn đồng nghiệp xinh đẹp và vui nhộn vỗ cái đốp vào vai: “Ra bờ biển ngồi vừa lai rai vừa ngắm mặt trời lặn anh, làm gì lắm... mắm cũng từ cá mà ra thôi à, hihi”. Giọng miền Tây, nụ cười hồn nhiên của cô gái miền Tây… Ừ thì đi, sợ gì.
Quả nhiên, không phải vì bia hay vì nụ cười mà mặt trời lặn từ phía biển... mà bởi cuối trời Nam, gần cái Mũi Cà Mau, cả một dải từ Hà Tiên qua Rạch Giá, Rạch Sỏi đến Cà Mau... nó thế, toàn biển. Vì cái Mũi xinh xinh nhòn nhọn mà mặt trời chẳng muốn đi xa, lên từ biển, rồi lại xuống... với biển.
Khu đô thị lấn biển hàng trăm héc-ta ở Rạch Giá ấy, giờ đây nườm nượp đông vui, quán bia cũ vẫn còn, quán bar, cà phê và những dãy nhà mọc dày hơn nấm. Rất nhanh, những bãi lau bãi sậy ngày xưa giờ là nhà phố liền kề, khu biệt thự, những công viên, những đường nhựa bao quanh... Biển bao dung ngàn đời, bờ hiền hòa khắp cõi, ngàn đời vốn thế. Nay con người làm cho đổi thay... tốt thôi, chỉ mong rằng sự can thiệp của con người không làm biển đau, trời giận. Sự sống trên Trái đất này chỉ được duy trì và phát triển một cách bền vững khi mọi can thiệp của con người dù với mục đích tốt hơn cho bờ lau bãi sậy thì cũng phải tuân theo một quy luật: Thuận thiên.
Những khu lấn biển cấp tốc, những đồ án hào nhoáng sang trọng ở Rạch Giá và vài nơi khác xinh đẹp mọc lên trên biển... có ai đủ thời gian để nghe biển buồn - vui?!
Nhưng tôi chắc hàng phi lao già hơn hồi đó, lá thưa hơn hồi đó, cô bạn đồng nghiệp của tôi cũng lên thành phố theo chồng. Mặt trời vẫn cứ đêm ngày xuống rồi lên với biển, chẳng biết lòng biển như xưa, hay buồn vui đục trong xói lở thế nào? Gần chục năm rồi, tôi chưa trở lại... tự dưng nhớ lùm xùm lau sậy ngày xưa.
Và, tôi bắt đầu...
Khi không, nhiều khi nhớ biển. Nhớ một đêm, chẳng hiểu vì nóng không ngủ được, hay vì nhớ biển Nhật Lệ, tôi phóng xe một mạch trong đêm từ Hà Nội về Đồng Hới. Nước trong veo, nước lăn tăn, cát mịn trắng, cát dài, cát vắng... Tôi đánh trần, tôi lột tất, lột giày, tôi ngấu nghiến, tôi hưởng thụ biển tôi.
Tôi thăm biển. Tôi thăm tôi. Thăm cả bãi dài muống biển. Bên trong những vạt tím lơ ngơ, ai đó uống xong, thuận tay quẳng những chiếc vỏ chai Men rỗng ruột, vài ba túi ni lông, hộp xốp đựng đồ ăn,… nằm chòng queo ngoài ý thức.
Tôi xót biển tôi như xót tấm áo mới mẹ mua cho ngày Tết bị vấy bẩn. Chỉ là, áo Tết của tôi màu trắng, còn áo biển thì xanh. Chỉ là, áo tôi có thể phôi phai, nhưng màu biển thì vẫn có thể xanh trong trở lại nhờ ý thức của con người. Trong nỗi xót xa, tôi cứ nghĩ, ai cũng gọi biển là Mẹ Biển để đòi hưởng đặc ân từ Mẹ, mà không ai xem biển là con. Để giống như những đứa con mỗi năm được mẹ sắm cho áo Tết, bẩn thì giặt, cũ thì làm mới.
Mà chả cần phải đợi hết năm đâu, ngày nào người ta cũng thế, cũng bớt đi một cái vỏ chai, vỏ lon, một túi ni lông, bớt đi một miệng cống đen ngòm,… thì ngày nào cũng là Tết đến xuân về của Biển.