Xã hội

Áo mới cho bờ vở Sông Hồng

Hoàng Hiền 09/02/2024 - 18:58

(TN&MT) - Bờ vở sông Hồng xuân nay đã khác, những điểm tập kết rác giờ được cải tạo thành sân chơi,

ban-sao-cua-nam-nghin-dong.png

Bờ vở sông Hồng xuân nay đã khác, những điểm tập kết rác giờ được cải tạo thành sân chơi, ríu rít tiếng cười trẻ thơ, chầm chậm bước chân thả bộ của người già. Một bờ xanh tươi, cỏ hoa vươn hàng thẳng lối. Sông đang chảy qua miền xanh thắm.

1.png

Bờ vở - khu vực tiếp giáp lòng sông và được sử dụng như hành lang đê. Chỉ vài năm trước, nơi đây rác thải vứt bừa bãi, chất ngổn ngang, ô nhiễm khiến cho hành lang đê nhẽ ra là nơi người dân hít thở bầu không khí trong lành từ sông lại trở thành nơi khiến người dân xa lánh. Xuân nay, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chung sức, chung tay của cộng đồng đã biến nơi đây thành “khu rừng” xanh mát đem lại không khí trong lành. Không gian xanh nơi bờ vở sông Hồng như một minh chứng về sự hồi sinh diệu kỳ, sự đồng lòng, quyết tâm của những con người có chung lý tưởng về việc cải tạo, gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.

cac-tinh-nguyen-vien-tham-gia-don-dep-khu-vuc-bo-vo-song-hong-1.jpg
Các tình nguyện viên tham gia làm sạch khu vực bờ vở sông Hồng

Ý tưởng cải tạo không gian bờ vở sông Hồng xuất phát từ những người yêu môi trường thuộc Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và được thiết kế, triển khai bởi Think Playgrounds. Giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng bao gồm các hoạt động đa dạng như dọn rác thải, xử lý nước thải, trồng cây, xây dựng sân chơi chung… Thành công bước đầu đã thu hút nhiều sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp, từ 5.000m2 dự kiến ban đầu, sân chơi đã được mở rộng thêm 1.000m2 từ nguồn xã hội hóa. Sự kiện đáng ghi nhớ này đã thu hút đông đảo bạn trẻ là những tình nguyện viên, học sinh, sinh viên đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội. Sự tham gia, hỗ trợ nhiệt tình của cư dân khu vực thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, các hội, đoàn thể… đã tiếp thêm động lực, cổ vũ tinh thần, góp phần tạo nên sự thành công của chương trình.

z5104232627064_7793ed26d419b0d867fb812633bb9a11.jpg
Nhiều tình nguyện viên với nhiều độ tuổi khác nhau tham gia hoạt động

Với hàng trăm người tham gia chung sức, đồng lòng, sự kiện đã đánh dấu bước thay đổi ngoạn mục của khu vực vốn bị coi là "điểm đen", để từ "điểm đen" đó, những mầm non mới ươm vươn mình đón nắng, những con đường tinh tươm được làm từ gạch tái chế dẫn vào khu Vườn giác quan dành cho trẻ em, sân chơi với nhiều thiết bị được làm từ các vật liệu thân thiện môi trường… Những người xây dựng và triển khai chương trình hiểu rằng, hơn lúc nào hết, trẻ em, đặc biệt là những bạn nhỏ sống ở thành phố rất cần những không gian công cộng, nơi vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Những sân chơi xanh là giải pháp tối ưu giúp các bạn nhỏ hòa mình cùng thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và thoải mái vui đùa. Ở nơi hiếm hoi không gian như vậy, một sân chơi đủ sức chứa cho hơn 400 bạn nhỏ quả thực là giấc mơ lý tưởng mà không phải đô thị nào cũng thực hiện được. Đặc biệt, sân chơi tại đây còn được thiết kế để phù hợp, dễ tiếp cận với người khuyết tật, người già, người có sức khỏe yếu... với mong muốn thúc đẩy sự tham gia của tất cả mọi người vào không gian công cộng.

Những đứa trẻ không giấu được sự háo hức khi được chạy nhảy, vui chơi trên sân chơi mới thoáng đãng, an toàn, rợp bóng mát cây xanh. Hỏi các con có thích chơi ở đây không, con nũng nịu bảo rằng "Trước kia, khi chưa có sân chơi, con và các bạn trong xóm thường chỉ chơi trong nhà chứ ít khi được chơi chung thế này. Chơi ở đây con biết thêm được nhiều bạn mới. Có sân chơi mới và có các bạn mới nên chúng con ít bị bố mẹ mắng vì ở nhà suốt ngày xem ti vi và chơi điện tử”.

z5104232635803_2f571e02bb6faaeda73bba2a9426bb16(2).jpg
Từ ngày có sân chơi, các bạn nhỏ được vui chơi ngoài trời, hạn chế việc xem ti vi và chơi điện tử.

Bên cạnh sân chơi với những thiết bị thân thiện với môi trường, tại Vườn giác quan, kỹ thuật thiết kế độc đáo của Nhật Bản đã được áp dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên trong không gian đô thị. Đó chính là kỹ thuật thiết kế gắn liền 5 giác quan. Mục đích hướng tới của thiết kế này không chỉ là tạo nên không gian đẹp để nhìn ngắm mà còn mang đến mùi vị, âm thanh, thậm chí có thể sờ, nếm. Do đó, việc lựa chọn cây trồng được các chuyên gia tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện môi trường cũng như duy trì các giống bản địa. Các cây giống bản địa tại vườn như cây trứng gà, quất hồng bì, mít, dành dành, phèn đen, hương nhu được ươm hoàn toàn từ hạt đã được lựa chọn. Một số cây khác như cây lá bỏng, cúc tần, trầu không, muối, dâm bụt… cũng được góp mặt để tạo nên môi trường vườn rừng vừa đa dạng tầng tán cũng như đem lại các ứng dụng thiết thực gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, các góc trải nghiệm kích thích giác quan như trò chơi âm thanh, con đường giác quan, khách sạn côn trùng… cũng được tạo dựng nhằm tối đa hóa sự trải nghiệm, giúp người tham quan đắm chìm trong thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh, hình dáng, chất liệu và hương vị.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon.png

Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Ở đây, hàng trăm cánh én nhỏ là người dân địa phương và thành viên của mạng lưới cộng với sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, của bạn bè quốc tế như Đại sứ quán Đan Mạch, New Zealand... đã tạo nên một tập thể chung ý chí, cùng mục tiêu, mang màu xanh và mùa xuân về bên bờ vở. Có những “cánh én” chỉ 9, 10 tuổi nhưng đã cùng bố mẹ tham gia dọn rác rất nhiệt tình và năng nổ. Điều đó cho thấy hoạt động này vừa mang tính cộng đồng vừa có tính giáo dục rất tốt về ý thức bảo vệ môi trường cùng lối sống tích cực.

z5104232654380_4f94122b1c9e596cc2cf9e8c38013211.jpg
Những thành viên lớn tuổi tham gia tích cực vào hoạt động làm sạch khu vực bờ vở sông Hồng

Bên cạnh các bạn nhỏ, có những tình nguyện viên đã cao tuổi nhưng vẫn hăng hái tham gia dọn rác tại bờ vở. Như cô Trần Thị Thành (67 tuổi) sinh sống ở Bạch Đằng. Cô cho biết, hoạt động này là cơ hội để rèn luyện sức khỏe cũng như đóng góp công sức cho sự thay đổi cảnh quan môi trường của địa phương nơi cô sinh sống. Cô Thành chia sẻ, tuy sinh ra và lớn lên tại khu vực bờ vở sông Hồng nhưng rất ít khi cô ra đến khu vực sát sông bởi cây cối rậm rạp và có nhiều rác thải nguy hiểm như mảnh thủy tinh, túi ni lông, kim tiêm, vật liệu xây dựng... Cô cho rằng, hệ sinh thái thực vật tự nhiên tại đây rất đa dạng, tuy nhiên, hệ sinh thái này đã bị "bỏ quên" trong thời gian dài, vì thế, dự án biến bờ vở thành công viên xanh thực sự rất hữu ích và thiết thực, dự án này đã tận dụng được đặc ân của thiên nhiên nơi đây.

Giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng khu vực bờ vở sông Hồng không chỉ dừng lại ở việc tạo không gian xanh trên bề mặt mà còn đồng thời quy hoạch, xây dựng mới, điều chỉnh lại hệ thống cống nước thải dưới lòng đất phù hợp với thiết kế chung, giảm mùi và tạo sự an toàn cho khu vực. Song song với đó, các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về phân loại và xử lý rác thải được tổ chức cũng thu hút rất đông người dân xung quanh khu vực bờ vở sông Hồng tham gia. Những buổi tập huấn góp phần xây dựng lối sống xanh cho người dân đồng thời giúp bảo vệ, duy trì sự phát triển bền vững của công viên rừng bờ vở.

khu-vuc-san-choi-moi-duoi-chan-cau-long-bien-voi-nhung-thiet-bi-duoc-lam-tu-vat-lieu-than-thien-voi-moi-truong.jpg

Trong tương lai, nơi đây, những sân bóng chuyền, sân bi sắt, những khoảng sân chơi kết hợp với rèn luyện thể chất, trí tuệ sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thành với mục tiêu hướng tới khu đô thị sinh thái, công viên cây xanh, khu văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, xa hơn nữa là mục tiêu "Vì một Hà Nội đáng sống".

anh-moi-hon-min.jpg
Những mầm cây non được trồng mới

Hành trình mang màu xanh cho bờ vở tưởng chừng khó khăn nhưng đã thành hiện thực. Xuân này chắc hẳn sẽ không ít người dân bờ vở thả bộ trong khuôn viên với tà áo dài, nhẩn nha ngắm mấy bông hoa, chụp những tấm hình ưng ý rồi khoe nhau trên trang facebook của mình. Và nếu ai đó lâu lâu chưa có dịp đi trên cây cầu Long Biên, ghé mắt nhìn xuống sẽ ồ lên thích thú vì những đổi thay ở nơi lâu nay chỉ có bụi rậm, cỏ hoang và rác thải. Nhưng vui nhất có lẽ là sông Hồng. Giờ đây, ô nhiễm và rác đã thay bằng công viên rừng và cây xanh, sông vui vì chảy qua miền xanh thắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áo mới cho bờ vở Sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO