Ảnh hưởng tại hạ lưu NMTĐ Buôn Tua Srah: "Sẽ không để người dân thiệt thòi!"

12/08/2016 00:00

(TN&MT) - Lãnh đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuôp (đơn vị vận hành NMTĐ Buôn Tua Srah) đã thẳng thắn xác định nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất ven sông Krông Nô...

 

(TN&MT) - Lãnh đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuôp (đơn vị vận hành NMTĐ Buôn Tua Srah) đã thẳng thắn xác định nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất ven sông Krông Nô là do quá trình vận hành NMTĐ Buôn Tua Srah. Sau khi xảy ra sạt lở và ngập úng, đơn vị đã tích cực triển khai những biện pháp hạn chế tình trạng này và tiến hành bồi thường hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Lỗi chính từ phía thủy điện

Theo ông Trần Văn Khánh - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuôp, hiện tượng sạt lở bờ sông Krông Nô đã xảy ra ở một số khu vực hạ du NMTĐ Buôn Tua Srah trước khi có công trình. Vào thời điểm nhà máy bắt đầu vận hành, tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn tại đoạn sông Krông Nô từ xã Đắk Nang đến xã Nâm N’Đir (cách nhà máy từ 15 - 30km) và ngày càng giảm theo các năm nhưng hiện chưa thể khắc phục hoàn toàn.

Về nguyên nhân xảy ra sạt lở, ông Khánh cho rằng sông Krông Nô quanh co (bên lở bên bồi) và đất ven sông chủ yếu là đất pha cát, kết cấu bở rời nên dễ xảy ra sạt lở. Trong khi đó, việc khai thác cát với quy mô lớn, khai thác cát gần bờ, khai thác trái phép… tại vùng hạ lưu NMTĐ Buôn Tua Srah chưa được kiểm soát cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở.

Tuy nhiên, ông Khánh thẳng thắn nhận định tác nhân chính gây ra việc sạt lở đất sản xuất ven sông Krông Nô trong những năm gần đây là do ảnh hưởng từ quá trình vận hành của NMTĐ Buôn Tua Srah. “Lưu lượng nước vào mùa khô về hồ Buôn Tua Srah rất nhỏ (nhiều tháng chỉ khoảng 16 - 20m3/giây), để đảm bảo tưới tiêu cho khu vực hạ du và đảm bảo an toàn năng lượng cho cả mùa khô hàng năm, NMTĐ Buôn Tua Srah chỉ được vận hành xả nước hàng ngày với lưu lượng bình quân khoảng 50m3/s. Nhưng do giới hạn vùng làm việc của tua-bin và để thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà máy thường được vận hành xả nước với lưu lượng khoảng 80 - 100m3/s trong vòng 12 - 14 giờ/ngày, thời gian còn lại thì dừng máy để giữ nước. Với chế độ vận hành như vậy, thì mực nước sông ở hạ du Buôn Tua Srah thay đổi hàng ngày, làm cho những bờ đất yếu dễ bị sạt lở khi có dòng chảy tác động” - ông Khánh phân tích.

Được biết, vào năm 2012, Ban QLDA Thủy điện 5 đã hợp đồng với Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 tiến hành khảo sát và lập hồ sơ thiết kế gia cố khu vực sạt lở nghiêm trọng tại trạm bơm số 1 - Đắk Rền (xã Nâm N’Đir). Công tác gia cố được triển khai và hoàn thành trong năm 2013 nhưng do tác động của dòng chảy và tình trạng khai thác cát, khu vực này vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở.

“Sẽ tích cực hỗ trợ người dân!”

Sau khi xảy ra sạt lở và ngập úng tại vùng hạ lưu NMTĐ Buôn Tua Srah, Ban QLDA Thủy điện 5 và Công ty Thủy điện Buôn Kuôp đã phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát, báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và xin chủ trương bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Từ năm 2010, Ban QLDA Thuỷ điện 5 đã hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành tiến hành khảo sát, cắm mốc khoanh vùng sạt lở, đo đạc địa chính, kiểm kê thực trạng và lập phương án bồi thường hỗ trợ hàng năm cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Krông Nô và huyện Lắk (Đắk Lắk). Tại huyện Krông Nô, tính cả đợt thứ 4 (đang được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã), NMTĐ Buôn Tua Srah đã thống kê để bồi thường hỗ trợ cho 16,27ha đất bị sạt lở và 112,5ha đất bị ngập úng với tổng kinh phí hơn 39,7 tỷ đồng. Còn tại huyện Lắk, tính cả đợt 4 (đã kiểm kê, đang xác minh nguồn gốc đất), nhà máy đã bồi thường hỗ trợ cho 16,75ha đất bị sạt lở và 178,1ha đất bị ngập úng với tổng số tiền 25,59 tỷ đồng.

Theo phản ánh của người dân các xã Quảng Phú, Đức Xuyên, Nâm N’Đir… của huyện Krông Nô và thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, diện tích bị sạt lở ven sông Krông Nô lớn hơn nhiều so với diện tích mà NMTĐ Buôn Tua Srah đã bồi thường hỗ trợ. Một số người dân còn cho rằng nhiều diện tích của họ bị sạt lở từ nhiều năm nay vẫn chưa được thủy điện bồi thường theo quy định. Ông Nguyễn Văn Khánh giải thích: “Phần lớn đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân dọc bờ sông chưa có trên bản đồ đo đạc địa chính và cấp Giấy CNQSDĐ nên việc thực hiện trọng 1 quy trình từ cắm mốc khoanh vùng, đo đạc và lập hồ sơ địa chính để kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất thường kéo dài từ 8 - 10 tháng nên việc đền bù hỗ trợ thường triển khai chậm hơn. Một số khu vực sạt lở vào thời điểm mới vận hành NMTĐ (năm 2009 và 2010) chưa thể xác định được diện tích cũng như cơ sở pháp lý có liên quan nên sau khi nhận bàn giao từ Ban QLDA Thủy điện 5 (từ năm 2014), chúng tôi đang khảo sát thực trạng và tổ chức rà soát lại và khi có kết quả sẽ báo cáo xin chủ trương của các cấp có thẩm quyền để giải quyết”.

Ngoài vấn đề bồi thường hỗ trợ người dân theo quy định, Công ty Thủy điện Buôn Kuôp cho biết đang làm văn bản gửi UBND các địa phương nhận lại các diện tích ngập úng mà NMTĐ Buôn Tua Srah đã đền bù để làm thủ tục cấp cho các hộ dân thiếu đất, tạo điều kiện cho người dân tận dụng sản xuất.

Bài & ảnh: Lê Phước - Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ảnh hưởng tại hạ lưu NMTĐ Buôn Tua Srah: "Sẽ không để người dân thiệt thòi!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO