Như báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh bài viết “Xã An Thượng - Hoài Đức (Hà Nội): Tràn lan vi phạm trên đất nông nghiệp’’ phản ánh hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã và đang bị xâm hại để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, bến bãi trái phép vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng…
Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND TP. Hà Nội quy định về “Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội” nêu rõ: “Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.
Cùng với đó năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội. Và gần đây nhất, vào tháng 3/2020, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Thông báo số 2354-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Như vậy, có thể thấy, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trong đó có UBND huyện Hoài Đức cần xử lý nghiêm các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm quy mô lớn nhưng không bị xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng thừa nhận việc xây dựng nhà xưởng, kho bãi trên đất nông nghiệp là sai và cho biết ông vừa mới nhận công tác tại xã nên chưa nắm được hết.
Còn về công tác xử lý vi phạm, ông Tâm cho hay vừa qua UBND xã cũng đã phối hợp với phòng TN&MT của huyện Hoài Đức đã kiểm tra nhưng thẩm quyền xử lý là của UBND huyện. Khu vực dốc đê Thanh Quang, đường D72 mà báo nêu đều là những trường hợp cũ, hiện nay UBND xã đang thực hiện kết luận thanh tra cũ nên UBND xã đang rà soát lại toàn bộ và từng bước xử lý vụ việc. Tuy nhiên, xử lý thế nào, thời gian xử lý bao lâu lại không được ông Tâm nhắc đến.
Việc buông lỏng các sai phạm về quản lý đất đai, môi trường, xây dựng trong thời gian dài nhưng không biết vì lý do gì các sai phạm “lộ thiên” này vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ hết từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ sau vẫn “mắc” chưa xử lý được.
Đề nghị, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức trong việc xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, xây dựng tại xã An Thượng, cùng với đó làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tổ chức có liên quan.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...