Mặc dù đến 9h và 10h mới tiến hành xả lũ ở 02 đập Tha La và Trà Sư, nhưng từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân về đây để chờ đợi chứng kiến cảnh xả lũ vào đồng. Ngoài ra, người dân địa phương còn chuẩn bị sẵn chài, lưới để đánh bắt cá khi lũ vào đầy đồng.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNN An Giang cho biết: Đây là quy trình vận hành kiểm soát lũ ở tứ giác Long Xuyên, quy trình này được sự thống nhất giữa tỉnh An Giang và Takeo của Campuchia và Kiên Giang. Đồng thời, 03 ngày trước, tỉnh An Giang đã phát thông báo cho người dân biết hôm nay tiến hành xả lũ.
"Hiện, mực nước trên đập trạm ngưỡng 4m, cao hơn 2cm so chiều cao đập. Sau khi xả đập thì trên địa bàn An Giang mực nước sẽ lên từ 3 - 3,5cm, còn khu vực Kiên Giang và Cần Thơ sẽ cao lên khoảng 2cm. Khi xả lũ, phù sa đóng góp vào dinh dưỡng đất không nhiều. Song, lũ đóng góp vào cân bằng sinh thái, giảm sâu bệnh, ô nhiễm môi trường, đồng thời là điều kiện cho đất nghỉ ngơi mới là vấn đề chính”, ông Thư cho hay.
02 đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè - Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu - Đông. Việc xả lũ ở 02 đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập Tha La và Trà Sư đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn.