Ấm áp tình người

Minh Chuyên| 23/08/2019 15:59

(TN&MT) - Có về với vùng tâm lũ Sa Ná, xã Na Mèo thuộc huyện vùng cao biên giới Quan Sơn(Thanh Hóa) trong những ngày sau lũ mới cảm nhận hết được ý nghĩa hai từ “đồng bào” thiêng liêng và ấm áp biết nhường nào.

Nương tựa, sát cánh cùng nhau trong hoạn nạn

Cơn “đại hồng thủy” đi qua, bản Sa Ná đã trở nên hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang cây cối, đất đá... Trước đau thương, mất mát ấy, bà con dân bản càng thêm đùm bọc, tương trợ và che chở cho nhau, tình người trên khắp mọi miền Tổ quốc dồn về Sa Ná. Dọc các ngã đường, người, xe tấp nập, nối đuôi nhau hướng về bến sông Luồng với mong muốn được qua sông để sẻ chia, động viên với bà con vùng “tâm lũ” này. Bên kia sông, từng đoàn người men theo mép núi, bám từng rễ cây, lựa từng con nước, không quản ngại khó khăn để về với... Sa Ná.

a2-dtmn.jpg
Dòng người hướng về Sa Ná.

Thân hình tiều tụy, gương mặt hốc hác, xác xơ, chị Phạm Thị Nguyễn (40 tuổi) đang ngồi bên chiếc máy tuốt lúa - thứ duy nhất còn lại của gia đình mà nước mắt lưng tròng: “Nhà, xe... giờ gia đình tôi chẳng còn gì nữa! May mà lúc đó cả vợ chồng, mẹ con, bà cháu ôm nhau chạy thoát. Nếu không chẳng biết sẽ thế nào. Cả cuộc đời làm lụng vất vả, rồi vay thêm ngân hàng, anh em, bạn bè mất gần 100 triệu đồng để sửa lại cái nhà, xây công trình phụ cho tử tế, nào ngờ công trình còn chưa hoàn thiện, tiền công thợ còn chưa trả thì lũ ập đến cuốn trôi tất cả”.

Quệt ngang dòng nước mắt, chị bảo: “Sau khi lũ đi, cũng may được anh em hàng xóm cho ăn ở nhờ, thậm chí còn cho cả quần áo để mặc. Rồi được các ngành chức năng, các nhà hảo tâm... vào thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm... nên cũng được an ủi phần nào. Nhưng nhiều khi nghĩ, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người dân trong bản, bởi còn người còn của”, chị Nguyễn bộc bạch.

Những ngày qua, người dân trong bản cùng với các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mất tích còn lại. Họ tìm kiếm ở tất cả những nơi có thể, trong đống đổ nát, men theo suối Son, dọc các con sông Luồng, sông Mã... Đặt chiếc xẻng xuống, mồ hôi nhễ nhại, anh Lê Xuân Tuấn (30 tuổi) quê gốc ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Tôi lên đây làm ăn, sinh sống cũng đã 10 năm rồi. Sau bao năm vất vả, hai vợ chồng làm lụng, sắm sanh giờ thì trôi theo lũ hết. Lũ đến quá nhanh và bất ngờ nên vợ chồng chỉ kịp ôm 2 đứa con chạy thoát. Cũng may người vẫn còn, chúng tôi ở nhờ với bà con một thời gian, cố gắng tìm kiếm những người hàng xóm xấu số rồi vợ chồng, con cái dẫn nhau về quê làm lại từ đầu”.

Ấm lòng trải qua khó khăn

Tình cờ, chúng tôi gặp “người hùng” Phạm Bá Huy ở bản Nhài, xã Sơn Điện - người đã nhảy xuống dòng sông Luồng hung dữ cứu ông Chon thoát khỏi tử thần, đang cùng một nhóm thanh niên và lực lượng chức năng dọn đống đổ nát mà thiên tai vừa để lại cho bà con Sa Ná. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh Huy bảo: “Nước rút rồi nên em mới kêu gọi các thanh niên trong xã sang đây giúp bà con dọn dẹp nhà cửa, ổn định đời sống. Nhìn thấy đồng bào mình như thế này thương lắm chị ạ!”.

a1-dtmn.jpeg
Lực lượng vũ trang giúp nhân dân bản Sa Ná dựng lại nhà sau mưa lũ.

Những ngày này, con đường vào Sa Ná tấp nập người ra vào, dưới cái nắng bỏng rát, từng đoàn người, xe nối đuôi nhau không ngớt. Họ có thể là anh em, họ hàng, bạn bè... nhưng cũng có khi chưa một lần quen biết, song gặp đồng bào mình trong cơn hoạn nạn, họ sang để thăm hỏi, chia sẻ và động viên. Trên tay có thể là xách mì tôm, bao gạo, vài chai nước mắm, thùng nước uống... “Tôi ở xã Mường Mìn, cũng chẳng có anh em, bạn bè hay họ hàng thân thích gì ở đây. Nhưng thấy đồng bào mình gặp nạn nên tôi sang để động viên họ”, một người phụ nữ chừng 45 tuổi đang cố men theo mép núi nói như vậy!

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Sau khi trận lũ xảy ra , huyện đã huy động hơn 500 người thuộc các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ và lực lượng thanh niên xung kích tại các xã, thị trấn tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đến thời điểm này, công tác cứu nạn vẫn đang được tiếp tục khẩn trương dọc các con sông Luồng, sông Mã, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương các huyện địa bàn vùng dưới để tìm kiếm những người mất tích do mưa lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO