Ảnh: Reatimes.vn |
Quy hoạch khu đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến đô thị Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước rơi vào mớ bòng bong: Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có bài viết phân tích hệ quả của việc điều chỉnh quy hoạch và những lỗ hổng trong khâu quản lý quy hoạch. Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu ý kiến của Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng.
Một góc khu đô thị mới ở TP.HCM |
Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị cần phải nhìn nhận rõ rằng một dự án có nhiều thành phần, phần đang xây dựng theo quy hoạch mở rộng phát triển đô thị thì không có gì đáng bàn nhưng nếu như giờ điều chỉnh xây chen vào các toà nhà cao tầng thì đó lại là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu đã quy hoạch đô thị thì phải đảm bảo tỷ lệ về cây xanh, mặt nước, diện tích xây dựng, tỷ lệ dân số trong khu đô thị.
Trước khi điều chỉnh quy hoạch một khu đô thị thì cần phải làm rõ vì sao lại điều chỉnh, điều chỉnh đó có vi phạm những quy định của thành phố, Nhà nước, Chính phủ hay không và có đi trái với quy hoạch đã được duyệt lần đầu không?
Ai ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị đó thì đến lúc điều chỉnh, cấp đó phải ký điều chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ vì sao phải cho phép điều chỉnh.
Những năm 2000 khi Nhà nước có chủ trương trao danh hiệu các đô thị kiểu mẫu, miền Bắc chỉ có duy nhất Khu đô thị Bắc Linh Đàm, miền Nam có khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhưng trải qua thời gian, 10 năm trở lại đây, khu Đô thị Linh Đàm dần bị phá nát. Tuy nhiên, Nhà nước lại chưa xoá bỏ hoặc thu lại danh hiệu khu đô thị kiểu mẫu. Có nghĩa là chỉ tính đến việc trao tặng nhưng không tính đến chuyện khi nào thì phải thu hồi, qua đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Khi làm quy hoạch phải trải qua rất nhiều các cấp thẩm định để ra được quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị đó nhưng khi điều chỉnh chúng ta điều chỉnh lung tung. Toà nhà HH xuất hiện ở khu đô thị Linh Đàm thể hiện một sự vô trách nhiệm của các cấp quản lý. C.Mác đã có nhận định “danh hiệu là lợi nhuận” và đương nhiên, với các nhà đầu tư, họ luôn tính toán đến chuyện có lãi khi phát triển một dự án.
Điều quan trọng là Nhà nước có thể điều chỉnh được doanh nghiệp, điều tiết lại bằng các chính sách và pháp luật. Luật pháp của các nước rất nghiêm, doanh nghiệp trốn thuế thì bị phạt nặng, bỏ tù cho nên doanh nghiệp nước họ dù vì lợi nhuận nhưng không dám xây dựng trái phép. Trong khi ở nước ta, doanh nghiệp dường như có thể tác động được đến một số cơ quan quản lý theo lợi ích của họ.
Chúng ta cũng chưa bao giờ đi thanh kiểm tra quyết định điều chỉnh quy hoạch, cũng chưa có vụ án nào xử lý về chuyện đó. Mới chỉ có chuyện xử lý doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo. Nhưng có lẽ đã đến lúc đưa ra vành móng ngựa cả người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, pháp luật về những chữ ký của mình. Bởi suy cho cùng, các dự án này là bất động sản mà bất động sản đó là tài nguyên, là đất đai cho nên phải nhìn từ hai phía.
Tôi đã từng nói, thực ra doanh nghiệp rất sợ pháp luật, doanh nghiệp chỉ dám làm trái pháp luật khi được "bật đèn xanh" chứ doanh nghiệp thường không dám bất chấp vi phạm pháp luật.
Ở nước ngoài, cũng không có chuyện đập phá công trình xây dựng sai phép bởi nếu phá là dẫn đến những bất ổn xã hội, và làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tiền của xã hội. Do đó, họ sẽ phạt số tiền gấp 5 - 6 lần số tiền lãi thu được từ phần xây dựng trái phép.
Còn ở nước ta, phê duyệt cho xây dựng, cơi nới thêm và sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm, người quản lý khác lên lại cho đập phá. Công viên Thanh Hà, Toà 8B Lê Trực ở TP Hà Nội... là những ví dụ để lại hệ quả rất đau xót từ lỗi thiếu trách nhiệm của cấp giám sát, quản lý. Cuối cùng xã hội thiệt, người dân thiệt.
Ảnh: Reatimes.vn |
Như vậy, công tác hậu kiểm, điều chỉnh quy hoạch cần thiết nhưng điều chỉnh quy hoạch phải phù hợp với luật pháp. Quy hoạch cần được điều chỉnh khi thấy có lợi cho xã hội, cho nền kinh tế. Thậm chí hy sinh những diện tích đất để làm cao tốc, đó là sự đóng góp cho đất nước. Còn điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư thì lại là một vấn đề khác.
Trước tiên chúng ta phải hiểu bản chất của điều chỉnh quy hoạch chi tiết là gì? Và vì sao phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết? Khi TP. Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ở khu vực hành chính mới sáp nhập đã có rất nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Sau khi sáp nhập, quy hoạch chung có sự thay đổi, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng có sự thay đổi, vì vậy cần phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Luật Quy hoạch đã có quy định rõ về các căn cứ để được điều chỉnh quy hoạch, trong đó mục tiêu quan trọng nhất đó là có sự điều chỉnh về mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Có sự điều chỉnh, thay đổi địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch...Theo đánh giá của tôi, nếu vì những mục tiêu như vậy thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của quá trình phát triển kinh tế. Nhưng điều quan trọng trước khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết một khu đô thị nào thì cũng cần phải có sự tham vấn ý kiến từ cộng đồng - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch đó và quá trình điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải được công khai, minh bạch.
Hệ luỵ của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ. Điều chỉnh quy hoạch là một trong những điều luật pháp cho phép vì điều đó để phù hợp với sự phát triển kinh tế. Nhưng mục đích của điều chỉnh quy hoạch, ai có quyền điều chỉnh quy hoạch lại là câu hỏi.
Tôi cho rằng, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh nhưng hiện nay điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát. Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội đồng này lặng lẽ "biến mất". Việc siết lại quy hoạch muộn còn hơn không nhưng phải trên tư duy phát triển chứ không phải siết lại để không thể phát triển. Tức là vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng phải quản lý thật chặt.