Không thể phủ nhận, khi “chiếc áo” đô thị đang trở nên chật hẹp, nhiều nơi bị biến dạng đến ngộp thở, việc đi trước, đón đầu xu hướng dịch chuyển đất nền, dự án ở ngoại thành hay các tỉnh vùng ven là một thực tế tất yếu khó tránh. Nhưng đằng sau việc hàng loạt các dự án ảo được quy hoạch từ miệng các nhà đầu tư, mà thực chất là cò đất tung ra lừa đảo người dân khiến bao nhiêu người nhà tan cửa nát, vỡ nợ, rơi vào bẫy tín dụng đen… đó chính là kẽ hở của pháp lý, cách thực thi và tham nhũng.
Ở nhiều nơi, vẫn còn đó không ít vụ việc lãng phí đất tại đô thị và nông thôn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng lại được giao rất nhiều đất, có những khu “đất vàng” trị giá lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, doanh nghiệp được giao đất nhiều đến mức sử dụng không hết, bỏ hoang hoặc cho tư nhân thuê lại với giá bèo bọt, trong khi người dân không có đất sản xuất. Chưa kể, rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia.
Trong công cuộc chỉnh trang đô thị liên quan đến đất với quy mô và tốc độ như mấy thập niên vừa qua, cái được là rất lớn, rất bao trùm. Nhưng công bằng mà nói, để có cái được rất lớn, rất bao trùm cho hàng chục triệu người thụ hưởng ấy, một số cư dân nghèo - trước hết là nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi, có nơi người dân phải thu hẹp diện tích thổ cư, diện tích canh tác, thậm chí, xóa trắng diện tích canh tác.
Cũng chính bởi thế, chuyện phải minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai luôn rất nóng trên các diễn đàn, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Những khuất tất trong quá trình thực hiện dẫn đến nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Dễ nhận thấy nhất là sự trục lợi từ đất, tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng, tội phạm từ đất đai. Đáng lo ngại hơn, việc quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không tốt đã làm méo mó thị trường đất đai, nhà đất bị “làm giá” khác xa giá trị thực... Từ đó, khiến tình trạng xây dựng diễn ra lộn xộn, tùy tiện, vi phạm gia tăng.
Vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh trong Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành mới đây. Nghị quyết 18 nêu rõ, công tác quản lý và sử dụng đất đai vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, hiệu quả tổng hợp chưa cao. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai vẫn còn rất lớn, nghiêm trọng, kéo dài ở nhiều nơi; khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn rất phổ biến, dai dẳng, kéo dài (chiếm tới khoảng 80% các khiếu kiện).
Nhận diện rõ chính là cơ sở để khắc phục lỗ hổng này, vì vậy, Nghị quyết 18 yêu cầu tăng tính công khai minh bạch bằng cách bỏ khung giá đất, xác lập cơ chế định giá thị trường, thay bằng định giá theo khung giá cố định. Đây là bước đi đúng đắn, nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập, khai thông các điểm nghẽn trong chính sách, tạo sức bật từ nguồn lực đất đai thời gian tới.
Đất đai và quản lý đất đai luôn là vấn đề trọng tâm và có ý nghĩa cực kỳ trọng yếu trong quản lý Nhà nước. Bởi vậy, để hiện thực hóa kỳ vọng của Nghị quyết 18, cần coi trọng công tác thể chế hóa và thực thi nghiêm túc các quy định pháp lý cần thiết theo tinh thần Nghị quyết 18, được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về đất đai có trách nhiệm, tâm huyết, được tổ chức chặt chẽ, khoa học và kiểm soát quyền lực chặt chẽ theo quy định của pháp luật; cũng như tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực chấp hành và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết và chính sách, pháp luật về đất đai…
Chống tiêu cực tham nhũng, trong đó, có vấn đề xây dựng văn hóa không tham nhũng, thước đo cuối cùng vẫn là sự hài lòng của người dân.