99% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News| 07/04/2022 12:33

(TN&MT) - Đây là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa cho biết, 99% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm vượt quá giới hạn được quốc tế phê duyệt, tuy nhiên, ô nhiễm không khí gây tác động tiêu cực đến sức khỏe ở mức thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Ô nhiễm không khí tác động ở mức độ thấp hơn

Nhấn mạnh nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra phần lớn lượng khí thải độc hại có liên quan đến các bệnh cấp tính và mãn tính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thực hiện các biện pháp rõ ràng để hạn chế việc sử dụng nhiên liệu này.

WHO cũng kêu gọi các chính phủ lưu ý rằng tổ chức này đã tiến hành các thay đổi đáng kể đối với các chỉ số chất lượng không khí, bao gồm cả vật chất dạng hạt - được gọi là PM2.5 - có thể đi vào máu, cùng với nitơ điôxít (NO2).

Tiến sĩ Sophie Gumy, cán bộ kỹ thuật tại Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết, ô nhiễm không khí có tác động ở mức độ thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Vì vậy, với tất cả các bằng chứng mới được đưa ra trong 15 năm qua kể từ lần cập nhật hướng dẫn chất lượng không khí cuối cùng của WHO, hầu hết các chỉ số của các mức hướng dẫn đã bị giảm xuống. Đối với ô nhiễm dạng hạt, mức độ ô nhiễm đã giảm đi 2 lần và đối với NO2, mức độ ô nhiễm đã giảm đi 4 lần.

anh-1-o-nhiem-khong-khi.jpg

Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than làm gia tăng ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: ADB

Theo WHO, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn tiếp xúc nhiều hơn với ô nhiễm hạt ở mức độ không lành mạnh so với mức trung bình toàn cầu, nhưng ô nhiễm khí NO2 cho thấy sự khác biệt không nhiều giữa các quốc gia có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Sự nguy hiểm vô hình

Dữ liệu của WHO cho thấy, 4,2 triệu người thiệt mạng do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,8 triệu người tử vong có liên quan đến khói gia đình do bếp lò và nhiên liệu ô nhiễm tạo ra.

Ngoài ra, dựa trên mô hình toán học của WHO về dữ liệu ô nhiễm không khí có sẵn từ 80% các khu vực đô thị trên thế giới, hầu hết mọi người đều phải đối mặt với nguy cơ gia tăng bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi, ung thư và viêm phổi.

Với tình trạng nguy hiểm như trên, WHO cho rằng, cần cải thiện chất lượng không khí tốt hơn ở khắp mọi nơi. Hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia hiện đang giám sát chất lượng không khí, so với 1.100 thành phố ở 91 quốc gia cách đây một thập kỷ.

Đạt được không khí sạch hơn cũng là 1 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững và ngày càng nhiều cơ quan của LHQ đã thông qua các nghị quyết thúc giục các quốc gia thành viên giải quyết các tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.

Giám đốc Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO, Tiến sĩ Maria Neira đánh giá cao việc ngày càng có nhiều thành phố bắt đầu đo chất lượng không khí lần đầu tiên và điều đặc biệt quan trọng là dữ liệu về NO2 cũng đang được thu thập. NO2 là loại khí gây hại và gây ra rất nhiều bệnh về đường hô hấp - một trong số đó là bệnh hen suyễn - đang gia tăng ở nhiều thành phố trên thế giới.

Tiến sĩ Gumy cho biết, mặc dù sự tiến bộ trên được ghi nhận, nhưng vẫn còn phần lớn các thành phố không tuân thủ các nguyên tắc về chất lượng không khí. Tại các thành phố này, người dân vẫn đang tiếp xúc với ô nhiễm không khí dạng hạt và NO2 ở mức độ không tốt cho sức khỏe và nhiều người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
99% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO