Quang cảnh Lễ kỷ niệm 91 năm ngày Truyền thống ngành xi măng Việt Nam |
Đóng góp lớn trong công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước
Cách đây 91 năm, cuộc đấu tranh ngày 8/1/1930 của công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng đã đem lại những thắng lợi nhất định đã khẳng định sức mạnh, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của công nhân xi măng.
Công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng xưa |
Trải qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người thợ xi măng đã thay đổi từ nhận thức đến tư tưởng, thay đổi phương pháp quản lý, không ngừng học hỏi kinh nghiệm và kiến thức toàn cầu, để tiếp tục làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng những đổi mới trong mô hình hóa tập trung, trong quan hệ sản xuất, để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, phấn đấu, học tập, rèn luyện và trưởng thành; các thế hệ công nhân xi măng đã tâm huyết, không quản ngày đêm, đem hết sức lực cống hiến, thậm chí hy sinh cả xương máu cho công cuộc xây dựng phát triển ngành xi măng. Các phong trào thi đua hành động cách mạng được đẩy mạnh, với khẩu hiệu “Hãy sản xuất nhiều Xi măng cho tổ quốc”, công nhân xi măng đã góp phần tích cực vào sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế đất nước sau chiến tranh, xây dựng đất nước đứng vững, trong thời kỳ các nước tư bản đế quốc bao vây và áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam.
Từ một nhà máy có quy mô nhỏ, đến nay, ngành xi măng Việt Nam có thêm nhiều nhà máy xi măng hiện đại như: Xi măng Bút Sơn, Xi măng Hoàng Mai, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Chinh phong, Xi măng Holcim, Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long, …
Nhà máy xi măng Hoàng Thạch |
Riêng đối với Tổng công ty xi măng Việt Nam, thời kỳ tăng tốc về công suất từ năm 2010 cho đến nay, chúng ta tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động nhiều dây chuyền sản xuất xi măng với công nghệ hiện đại tiên tiến, chúng ta tiếp nhận thêm Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao từ các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng theo chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp do Chính Phủ và Bộ Xây dựng chỉ đạo, cùng với cải tạo xử lý các nút thắt công nghệ, tối ưu hóa hoạt động của thiết bị, đổi mới trong quản trị, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị tại các đơn vị, đã đưa tổng công suất của VICEM đến nay lên trên 30 triệu tấn, cùng tạo lên một thương hiệu VICEM bền vững với thời gian, khẳng định vai trò vị trí chủ đạo, dẫn dắt của VICEM trong ngành xi măng Việt Nam.
Đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ đã giúp cho VICEM tăng quy mô
Chủ tịch HĐTV VICEM Bùi Hồng Minh cho biết, trong 5 năm qua, nhờ các chương trình đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ đã giúp cho VICEM tăng quy mô thêm 3 triệu tấn clinker, mà cơ bản không phải bỏ thêm chi phí, tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư; góp phần làm lợi nhuận tăng gần 700 tỷ đồng hàng năm.
Vicem Hạ Long |
Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch Covid -19, VICEM gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng chung từ nền kinh tế nhưng vẫn đạt sản lượng 21,7 triệu tấn clinker, tăng 2,8% so với năm trước. Đặc biệt, năng suất trung bình lò nung toàn hệ thống VICEM vượt tới 7,55% so với thiết kế. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Với mục tiêu phát triển xanh và bền vững, VICEM đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện Tổng công ty, tập trung khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Tổng công ty đã ứng dụng thay thế một phần nguyên liệu là đá vôi, đất sét trong sản xuất nhằm giảm tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng các nguyên liệu lấy từ chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hằng ngày của con người
Chủ tịch Bùi Hồng Minh: Thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty giai đoạn 2019-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, VICEM đang tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo mang lại không gian và động lực phát triển mới cho đơn vị nói riêng và ngành xi măng nói chung. |
Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách đã tạo khuôn khổ pháp lý trong phát triển vật liệu xây dựng; trong đó có xi măng. Với công suất hiện nay, ngành xi măng đã đóng góp đáng kể vào GDP và đưa Việt Nam lọt top 4 quốc gia có công suất sản xuất xi măng hàng đầu thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: Thời gian tới, với vai trò trụ cột trong mặt hàng sản xuất này và dẫn dắt thị trường, VICEM cần tập trung vào cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn ở những lĩnh vực không hiệu quả.
6 giải pháp cho năm 2021
Theo Phó Tổng giám đốc VICEM Đinh Quang Dũng, năm 2021, VICEM đặt mục tiêu sản xuất khoảng 22 triệu tấn, tăng 1% so với năm trước; sản xuất xi măng trên 26 triệu tấn, tăng 8%.
Tổng sản phẩm tiêu thụ dự kiến 30 triệu tấn, tăng 5%. Cùng đó, đặt mục tiêu doanh thu trên 35.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7% và lợi nhuận trước thuế ước khoảng 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 13%; đồng thời tiếp tục đảm bảo ổn định mức thu nhập bình quân cho người lao động.
VICEM đang tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng |
Để đạt các mục tiêu đề ra, VICEM sẽ tập trung vào 6 giải pháp. Trước tiên là tiếp tục tối ưu hóa, nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung đầu tư theo chiều sâu, giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và tác động đến môi trường.
Cùng đó, VICEM hoàn thiện hệ thống tiêu thụ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng việc từng bước sắp xếp lại thị trường tiêu thụ giúp phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động logistics, lợi thế về thương hiệu và định giá cao nhất, từ đó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và tăng thị phần...; hoàn thiện chiến lược kinh doanh xi măng rời để phù hợp với xu hướng dịch chuyển xi măng bao sang xi măng rời, áp dụng số hóa trong tiêu thụ sản phẩm trên diện rộng.
Các kịch bản trong điều hành sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xây dựng nhằm hạn chế và tiến tới không đổ clinker ra bãi; có giải pháp trong trường hợp phải đổ bãi clinker để chống giảm phẩm cấp và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hiện VICEM đang tập trung tái cơ cấu, cổ phần hoá theo kế hoạch; cập nhật, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Năm 2021, VICEM tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo về công nghệ, thiết bị, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất xi măng. Đáng chú ý, chương trình kinh tế tuần hoàn tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng và đưa vào áp dụng tại các công ty thành viên có đủ điều kiện nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh; đồng thời góp phần giải quyết vấn đề môi trường...