(TN&MT) - Sáng 18/2, Văn phòng UNESCO Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trao Giải Công trạng trong Giải thưởng về Bảo tồn Di sản văn hóa năm 2013 của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho Dự án Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Theo đó, 5 công trình: cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh và nhà cổ Nguyễn Văn Hùng, nhà cổ Hà Văn Vĩnh được nhận giải thưởng. Ngoài ra, UNESCO còn trao bằng khen cho 3 tổ chức và 27 cá nhân có nhiều đóng góp cho Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm.
Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ tài chính, nhân lực, phương pháp bảo tồn các công trình cổ.
Ông Shimizu Akira - Phó trưởng đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam đánh giá: Làng cổ Đường Lâm là một làng nông nghiệp truyền thống của Đồng bằng Bắc bộ, nơi còn lưu giữ nhiều hoạt động và văn hóa truyền thống, cũng như các ngôi nhà cổ. Làng cổ Đường Lâm có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch di sản. Đặc biệt là từ khi làng được công nhận là làng quê mang danh hiệu di tích quốc gia đầu tiên, vào tháng 11 năm 2005.
Cổng làng Mông Phụ
Năm 2008, JICA đã cử một số tình nguyện viên trong các lĩnh vực kiến trúc, bảo tồn di sản và phát triển cộng đồng sang Việt Nam để tham gia bảo tồn ngôi làng này.
Từ năm 2011, JICA cũng đồng thời thực hiện Dự án hỗ trợ “Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản” với sự hợp tác của Trường đại học nữ Chiêu Hòa và các đối tác Việt Nam.
Ông Shimizu Akira chia sẻ: “Qua việc thực hiện các chương trình này, chúng tôi hy vọng phát triển sinh kế và điều kiện sống của người dân ở làng thông qua viêc tận dụng các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Làng Đường Lâm vẫn còn gặp phải nhiều thách thức. Một trong số đó là làm sao bảo tồn được các ngôi nhà cổ truyền thống, đang bị đe dọa bởi sự hư hỏng và xuống cấp do thời gian. Một thách thức khác là làm sao để cân bằng việc bảo tồn các giá trị truyền thống với việc nâng cao chất lượng sống cho người dân trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay. Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề không thể làm ngơ mà Làng Đường Lâm cần giải quyết để có thể hướng đến việc đạt danh hiệu Di sản thế giới.”
Phạm Thu Hà