Bất động sản

2 quy tắc giúp người trẻ thoát cảnh “chưa cuối tháng đã hết tiền”

Trung Nguyễn 28/12/2024 12:56

Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, việc quản lý tài chính cá nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là với các bạn trẻ còn phụ thuộc vào gia đình hay mới đi làm.

Trong quản lý tài chính cá nhân, lập ngân sách chính là chìa khoá để bạn có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình, từ đó xác định các khoản tiền và đưa ra quyết định chi tiêu hợp lý. Xa hơn, bạn có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe hay đầu tư…

Có nhiều phương pháp lập ngân sách khác nhau, phù hợp với từng cá nhân và hoàn cảnh cụ thể. Trong đó, hai phương pháp phổ biến nhất là “Quy tắc 50/30/20” và “Quy tắc 70/20/10”.

Quy tắc 50/30/20

Quy tắc này có nguồn gốc từ cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” xuất bản năm 2005 và cho đến nay, đây vẫn là quy tắc lập ngân sách được sử dụng rộng rãi nhất.

Theo đó, thu nhập hàng tháng sẽ được dành 50% cho nhu cầu thiết yếu (gồm tiền nhà, tiền ăn, chi phí đi lại, điện nước…), 30% cho chi tiêu cá nhân (mua sắm, du lịch, giải trí…) và 20% còn lại cho tiết kiệm và đầu tư.

1.png
Thiết lập ngân sách là việc quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân (Nguồn: Internet).

Trong số các nhu cầu thiết yếu, tiền nhà là một khoản chi quan trọng. Khảo sát của Batdongsan.com.vn đối với người tiêu dùng tại TP.HCM cho thấy, 47% đáp viên sẵn sàng chi từ 21-30% thu nhập để thuê nhà, chiếm tỷ trọng cao nhất.

Ví dụ, một người có thu nhập 18 triệu đồng/tháng, 50% thu nhập sẽ là 9 triệu đồng. Nếu muốn ở gần trung tâm TP.HCM, người này có thể dành khoảng 4 triệu đồng để thuê phòng trọ Phú Nhuận. Còn nếu muốn ở xa trung tâm hơn để tiết kiệm chi phí, phòng trọ quận 12 với mức giá dao động từ 1,5-3 triệu đồng/tháng, sẽ là lựa chọn hợp lý. Như vậy, tỷ trọng thu nhập dành để thuê nhà sẽ chiếm trên dưới 20% thu nhập. Số tiền còn lại sẽ được phân bổ cho các chi phí khác.

Một điều quan trọng để lập ngân sách hiệu quả là bạn cần theo dõi thói quen chi tiêu và tìm ra những khoản chi không thực sự cần thiết để cắt giảm. Ngoài ra, nếu có thu nhập quá thấp hoặc không thể cắt giảm đủ chi phí để đạt được mức 50% thì cũng không sao vì bạn có thể tự lập ngân sách theo cách của riêng mình hoặc thử áp dụng quy tắc dưới đây.

Quy tắc 70/20/10

Tuy quy tắc 50/30/20 rất phổ biến nhưng không phải ai cũng đủ khả năng chi trả mọi chi phí thiết yếu chỉ với 50% thu nhập, đặc biệt là khi họ sống ở những đô thị có sinh hoạt phí cao.

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng những năm gần đây, nhiều người đã lập ngân sách dựa trên quy tắc 70/20/10. Với phương pháp này, 70% thu nhập sẽ được dùng để trang trải nhu cầu thiết yếu, 20% dành cho chi tiêu cá nhân và 10% cho tiết kiệm.

So với quy tắc 50/30/20, quy tắc 70/20/10 dành nhiều ngân sách hơn cho các nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo bạn tiết kiệm được 10% thu nhập mỗi tháng. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc có một khoản tiết kiệm đều đặn, dù ít hay nhiều cũng sẽ giúp bạn chủ động hơn trước những biến động bất ngờ.

2-33-.jpg
Ai cũng nên có một khoản tiết kiệm để dự phòng trường hợp khẩn cấp (Nguồn: Internet).

Tạm kết

Quản lý tài chính cá nhân tốt là cánh cửa dẫn đến tự do tài chính. Sự kiên trì và kỷ luật trong việc quản lý tiền bạc đã giúp không ít bạn trẻ thành công trong việc đạt tự do tài chính.

Tuy nhiên, nếu cả hai quy tắc trên đều không phù hợp với mục tiêu thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm của bạn, bạn có thể tự đặt ra quy tắc lập ngân sách cho riêng mình. Điều quan trọng của mọi phương pháp lập ngân sách là phải bền vững, giúp bạn tối ưu hoá chi tiêu hàng tháng và hướng tới các mục tiêu tài chính lớn hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2 quy tắc giúp người trẻ thoát cảnh “chưa cuối tháng đã hết tiền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO