2 nhà máy thép ở Đà Nẵng gây ô nhiễm: Tính toán hòa hợp lợi ích người dân và doanh nghiệp

11/04/2018 13:20

(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, mặc dù quyết định tiền hậu bất nhất nhưng chính quyền thành phố đã có sự tính toán, hòa hợp lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo TP thống nhất chủ trương để Nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng để giải quyết các vấn đề tồn kho
Lãnh đạo TP thống nhất chủ trương để Nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng để giải quyết các vấn đề tồn kho

Thời gian gần đây, tại TP. Đà Nẵng, vấn đề ô nhiễm do 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý gây ra khiến nhiều người dân bức xúc. Điều đáng nói, việc xử lý 2 nhà máy được chính quyền thành phố thay đổi nhiều lần, tiền hậu bất nhất.

Vài năm trước, khi người dân bắt đầu phản đối vì 2 nhà máy gây ô nhiễm, lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống địa phương đối thoại và thông báo quyết định sẽ di dời dân khỏi khu vực. Vào đầu năm 2018, người dân bao vây 2 nhà máy. Lúc này, lãnh đạo thành phố thông báo sẽ di dời 2 nhà máy.

Sau đó, TP. Đà Nẵng ra quyết định đóng cửa hoàn toàn 2 nhà máy. Đến 26/3, chỉ 20 ngày sau khi có quyết định đóng cửa, chính quyền lại cho phép 2 nhà máy hoạt động sản xuất trở lại với lý do để doanh nghiệp xử lý những tồn tại liên quan, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động và chuyển đi trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp báo vào chiều qua (10/4), ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch TP. Đà Nẵng thừa nhận, quyết định số phận của 2 nhà máy Dana Úc và Dana Ý thời gian qua có nhiều bất nhất. Trước đây, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định di dời dân, trách nhiệm hỗ trợ chi phí do 2 doanh nghiệp chủ 2 nhà máy ứng tiền trước đóng góp.

Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời nhà máy, nay đã toại nguyện
Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời nhà máy, nay đã toại nguyện

Đất tại khu vực này mang đấu giá, số tiền thu về nếu không bù lại được chi phí di dời thì các nhà máy phải chịu. Trong trường hợp, số tiền vượt quá tiền ứng ban đầu thì thành phố hoàn trả. Theo lộ trình, 2 nhà máy sẽ đóng cửa trong vòng từ 10 đến 15 năm.

Khi triển khai, thành phố gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là tái định cư. Trong khi bài toán tái định cư chưa có lời giải thì Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy, trước sau gì 2 nhà máy cũng phải đóng cửa nên sau khi cân nhắc, có quyết định mới sẽ di dời sớm 2 nhà máy. Mặc dù vậy, việc dừng hoạt động 2 nhà máy phải được bàn bạc, thống nhất với các doanh nghiệp.

Việc này phải được thực hiện theo quy trình và với tinh thần, hạn chế tối đa thiệt hại từ 2 phía. Sự khác biệt lớn nhất là lộ trình trước đây dài. Do đó, chính quyền lại có quyết định mới, tạm thời cho 2 nhà máy hoạt động trở lại trong thời gian 6 tháng nhằm giải quyết các nguyên liệu còn tồn đọng, các đơn hàng đã ký và giải quyết vấn đề lao động. Sau thời gian này, 2 nhà máy phải chấm dứt hoạt động.

Ông Thơ cho rằng, mặc dù quyết định tiền hậu bất nhất nhưng chính quyền thành phố đã có sự tính toán, hòa hợp lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chính quyền cũng đang xem xét khả năng bồi thường liên quan công nhân 2 nhà máy thép.

Ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch TP. Đà Nẵng thừa nhận, quyết định số phận của 2 nhà máy Dana Úc và Dana Ý thời gian qua có nhiều bất nhất
Ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch TP. Đà Nẵng thừa nhận, quyết định số phận của 2 nhà máy Dana Úc và Dana Ý thời gian qua có nhiều bất nhất

Cũng theo vị Chủ tịch UBND TP, hiện, trên địa bàn, ở trong khu công nghiệp, vẫn còn một số nhà máy thép thực hiện việc nấu và luyện. Chính quyền thành phố đang rà soát, sắp tới sẽ yêu cầu chấm dứt hoạt động này theo đúng lộ trình.

Liên quan đến quyết định di dời 2 nhà máy thép gây ô nhiễm làm dư luận xôn xao thời gian qua. Ngày 26/3, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) về việc xử lý hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc.

Tại buổi đối thoại, ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã thông báo kế hoạch triển khai chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu đóng cửa, di dời nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý cùng quyết định hủy bỏ quyết định di dời dân cư đã ban hành trước đó trong năm 2017.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng thông báo với người dân việc 2 nhà máy thép trên sẽ được cho phép hoạt động trở lại bắt đầu từ ngày 26/3. Theo ông Minh, việc cho nhà máy hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện để "làm nốt việc" đang dang dở và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh theo quy định của pháp luật. Theo ông Minh, quyết định này dựa trên đề nghị của 2 công ty để sản xuất hết nguyên liệu đang tồn đọng trong nhà kho.

Hoạt động của 2 nhà máy thép có ảnh hưởng cảnh quan, đời sống nhân dân
Hoạt động của 2 nhà máy thép có ảnh hưởng cảnh quan, đời sống nhân dân

Tại quyết định này, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu hai công ty trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường đồng thời không được mở rộng hoạt động sản xuất, không giao kết hoạt động mua nguyên vật liệu, phế liệu để sản xuất thép. UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu trong thời gian không quá 6 tháng, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP. Đà Nẵng phương án dừng hoạt động sản xuất thép và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và trình HĐND TP. Đà Nẵng thông qua.

Sau khi nghe thông báo của UBND TP. Đà Nẵng, nhiều người dân đã ngay lập tức bày tỏ sự phản đối vì chưa đầy 1 tháng trước, TP đã ra quyết định đóng cửa nhà máy. Ông Hồ Kỳ Minh cho hay TP sẽ ghi nhận ý kiến của người dân và bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ quyết định trên để việc đóng cửa 2 nhà máy thép được xử lý theo đúng trình tự của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử TN&MT đã thông tin trước đó, trong một thời gian dài, Nhà máy Thép Dana Ý (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời hoặc hộ dân, hoặc nhà máy nhưng chưa thấy động thái tiếp theo từ chính quyền.

Tháng 12/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng từng về đối thoại với dân tại Hòa Liên. Trước buổi đối thoại này, người dân đã bao vây cổng nhà máy trong hai ngày liền để phản đối. Việc 2 Nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) gây ô nhiễm, khiến người dân bao vây để đòi di dời nhà máy trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Việc ô nhiễm kéo dài cả chục năm nay nhưng chính quyền và người dân vẫn không tìm được tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2 nhà máy thép ở Đà Nẵng gây ô nhiễm: Tính toán hòa hợp lợi ích người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO