14 người thiệt mạng do bão số 3, lũ quét, sạt lở trực chờ sau bão
(TN&MT) - Thông tin với báo chí vào chiều nay 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày mai 9/9, tình hình lũ, lũ quét, sạt lở đất sẽ có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt tại tỉnh Yên Bái, độ ẩm đất của toàn bộ tỉnh đều đang ở mức bão hoà và nguy cơ thiên tai rất cao.
14 người thiệt mạng do bão số 3
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, tính đến 14 giờ chiều nay, các địa phương chịu ảnh hưởng từ bão số 3 đã ghi nhận 14 người thiệt mạng. Trong đó, Quảng Ninh 4 người, Hải Phòng 2 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người, Hoà Bình 4 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 1 người mất tích do lũ cuốn ở Bắc Giang. 220 người bị thương, phần lớn tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu, khoảng 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Khoảng hơn 7.000 ngôi nhà bị hư hỏng. gần 100 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ. Rất nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…
Đến chiều nay, các địa phương đã thông kê gần 98.000 lúa và gần 12.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; khoảng 7.000 ha cây ăn quả bị hư hại.
Mưa lớn do hoàn lưu bão, lũ các sông đang lên
Dự báo trong khoảng thời gian từ 14h - 19h hôm nay, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ sẽ có mưa khoảng 40-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Từ 19h trở đi đến 7h sáng mai tiếp tục mưa từ 40-80mm, cục bộ có nơi trên 100mm
Phía Tây Bắc Bộ ((Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình) trong chiều nay mưa từ 30-50mm, có nơi trên 80mm. Mưa tăng dần về đêm đến sáng hôm sau, với lượng phổ biến từ 40-60mm, có nơi trên 100mm.
Nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, trong đó đặc biệt cần lưu ý: Các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ trên sông trên các sông Ngòi Thia (Yên Bái), Sông Bôi (hòa Bình), Hoàng Long (Ninh Bình) lên trên mức BĐ3; hạ lưu sông Lục Nam lên mức BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (6 huyện), Thái Nguyên (9 huyện), Bắc Giang (8 huyện), Vĩnh Phúc (5 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (9 huyện), Tuyên Quang (6 huyện), Yên Bái (9 huyện), Sơn La (8 huyện), Lai Châu (3 huyện), Lào Cai (4 huyện).
Riêng đối với tỉnh Yên Bái, trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng mưa bão số 3 nên trên địa bàn đã có mưa rất to, tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100-250mm, đặc biệt có nơi trên 400mm (huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn). Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3, từ đêm nay đến ngày 11/9, khu vực Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có những điểm trên 400mm.
Trên các sông ở Yên Bái xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ như sông Ngòi Thia, Ngòi Hút lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; sông Thao tại Yên Bái lên trên mức BĐ2 và dưới BĐ3, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, TP. Yên Bái..
Trước nguy cơ thiên tai, cơ quan chức năng khuyến các các tính Bắc Bộ, nhất là các tỉnh miền núi cần thực hiện các hành động sau:
- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
- Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
- Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
- Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.