Yêu nước hòa nhịp đập chung

Nguyễn Văn Hải| 28/10/2021 09:21

(TN&MT) - Yêu nước là một trong những thuộc tính bẩm sinh của con người. Đối với mỗi người dân đất Việt, yêu nước còn là một trong những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng, cao cả nhất. Nhưng yêu nước làm sao cho phải đạo, đúng mực, thuận tình, hợp lẽ thì cũng nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thấu đáo.

Chuyện một cô giáo dạy văn ở một tỉnh miền Trung cách đây chưa lâu sáng tác bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” - theo bình luận của một cá nhân trên mạng - “thay cho một tiếng khóc than đất nước thời bình” qua cách tác giả cố “dụng công” bằng những từ ngữ chông chênh như “đất nước mình buồn quá, thương quá, sẽ về đâu”(!); hay một nhà thơ tại TP.HCM gần đây luôn mượn những sự kiện không vui để sáng tác những bài thơ với ngôn từ cường điệu u sầu, cảm thông, đau đớn, xót xa cho phận người không may mắn trong xã hội rồi tung lên mạng đã ít nhiều gây xôn xao dư luận. Có người tung hô nhưng cũng rất nhiều người bày tỏ không đồng tình với cách nhìn về đất nước rất bi lụy kia. Thậm chí, có người còn thẳng thắn bình luận vào trang của nhà thơ tại TP.HCM rằng: Nếu không làm được gì tử tế cho đất nước trong lúc này thì cách yêu tốt nhất là im lặng.

Ảnh minh họa

Lo lắng cho vận mệnh đất nước cũng là một biểu hiện của tinh thần yêu nước. Nhưng lo lắng đến mức chỉ biết ngồi “khóc lóc”, than thở, hoài nghi… thì lại là một thứ “yêu nước suông”! Cũng không nên “bày tỏ tình yêu nước” bằng cách suốt ngày chỉ ngồi bên bàn phím để phán Chính phủ phải thế này, chính quyền phải thế kia… trong khi cả hệ thống chính trị, hàng triệu y bác sĩ, bộ đội, công an vừa qua một đợt tổng động viên và hiện vẫn đang tiếp tục căng mình trên trận tuyến chống dịch. Dẫu biết rằng, tình yêu nước rất cần khởi nguồn từ bầu nhiệt huyết, “trái tim nóng”, nhưng cũng luôn đòi hỏi người trong cuộc biết tiết chế cảm xúc, không bị chi phối bởi cảm tính bồng bột, nông nổi nhất thời hay manh động a dua, hùa theo tâm lý đám đông để bị lợi dụng, kích động bởi những người mang dụng ý thiếu lành mạnh.

Thật ra, đã sống trong cuộc đời này, ai cũng có quyền bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước. Bởi đó là một tình cảm tự nhiên, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ giai cấp, thành phần nào trong xã hội. Nhưng yêu nước không có nghĩa là hô hào, hiệu triệu, kêu gọi, cổ súy người khác phải quan tâm đến đất nước bằng những câu từ “đao to búa lớn”, hay cố tình “trau chuốt” bằng những mỹ từ “ngọt ngon, có cánh”... kêu như chuông! Tình yêu nước chân thành không bao giờ tương thích với ai đó chủ ý “vẽ ra viễn cảnh đất nước” bằng sự “lạc quan tếu”, mà cũng khó dung hợp với những người chỉ nhăm nhăm nhìn vào xã hội bằng một con mắt bi lụy, hẹp hòi.

Tình yêu nước không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi bắt đầu bằng suy nghĩ giản dị là hiểu những gì mình đang có, những quyền lợi mình đang được hưởng và cố gắng làm tốt công việc của mình, đồng thời làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Ở chiều sâu hơn, đó là sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà đất nước đang phải gồng mình vượt qua và luôn tự nhắc nhở mình cần phải làm gì để chung tay góp sức với cộng đồng nỗ lực vượt lên những thử thách ấy.

Tình yêu nước của mỗi người chỉ thật sự có giá trị khi biết khơi nguồn, lan truyền cảm hứng tình cảm thân thương đó của mình cho người khác và cộng đồng. Yêu nước vừa là “cái chung” của mọi người, vừa là “cái riêng” của mỗi con người. Và tình yêu nước chân chính chỉ thể hiện đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ khi “cái tôi” yêu nước của mỗi người luôn biết bắt nhịp, hòa chung với “cái tôi” yêu nước của cộng đồng, của mọi người trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu nước hòa nhịp đập chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO