Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Ya Xiêr được giao quản lý, bảo vệ 479,2 ha rừng, trong đó có 121,52 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các Nhà máy thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A. Hàng năm, xã Ya Xiêr nhận được khoảng hơn 47 triệu đồng tiền chi trả DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Từ nguồn tiền này, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại xã đã được tổ chức thường xuyên, mang lại nhiều đổi thay tích cực.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Tổ đặc biệt gồm: ông A Hmão - Phó Chủ tịch xã - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Ya Xiêr, Kiểm lâm địa bàn, Công an xã, Dân quân xã đã tổ chức nhiều đợt trực tiếp vào rừng để tuần tra, kiểm soát. “Tuy diện tích rừng được giao bảo vệ nằm không tập trung, cách xa nhau, địa hình dốc, đi lại khó khăn, nhưng từ nguồn tiền chi trả DVMTR, Tổ đặc biệt chúng tôi đã có kinh phí để thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn được giao”, ông Bùi Thành Đồng - Kiểm lâm địa bàn cho biết.
Xã Ya Xiêr với trên 85% người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên việc tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân là điều rất cần thiết. Theo ông A Hmão, rừng do xã Ya Xiêr quản lý là loại rừng tái sinh, người dân không chặt phá hay khai thác trái phép nhưng thỉnh thoảng lại có trường hợp muốn lấn chiếm để làm rẫy. Mới đây, nhờ tuần tra, kiểm tra, xã Ya Xiêr đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 2 trường hợp ở làng Rắc có biểu hiện cơi nới, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy.
“Vì đa số dân cư trên địa bàn là người đồng bào dân tộc thiểu số nên trước kia ý thức về bảo vệ rừng của họ vẫn còn nhiều hạn chế. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, xã Ya Xiêr đã tổ chức được nhiều đợt tuyên truyền tại các buổi họp thôn, tại nhà Rông của làng để người dân có nhận thức hơn về quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, người dân đã không còn phát rừng làm rẫy, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng đã không còn, diện tích rừng trên địa bàn được bảo vệ ngày càng tốt hơn”, ông A HMão phấn khởi nói.
Để chính sách chi trả DVMTR được triển khai ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum vẫn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương - nơi có rừng, Chi cục Kiểm lâm tổ chức tuyền truyền đến cán bộ và người dân địa phương về chính sách chi trả DVMTR; đồng thời kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế hộ gia đình, cá nhân; tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các buổi tuyên truyền đều được người dân nhiệt tình tham gia và học hỏi.
Rõ ràng, hiệu quả mà chính sách chi trả DVMTR đang mang lại là không thể phủ nhận, ý thức bảo vệ rừng của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã ngày càng cải thiện và nâng lên rất nhiều so với trước. “Trước kia, bà con hay vào rừng khai thác gỗ nên vào mùa mưa hay bị sạt lở đất ở vùng núi. Mấy năm nay, được cán bộ tuyên truyền nhiều về bảo vệ rừng, bà con không còn vào rừng chặt phá nữa, sạt lở đất cũng không còn. Nhờ các buổi tuyên truyền, bà con biết thêm nhiều lợi ích mà rừng mang lại nên sẽ cố gắng bảo vệ và phát triển rừng”, anh A Ngư (dân tộc Ja Rai, ở làng Trang, xã Ya Xiêr) chia sẻ.