Ý kiến cử tri về tình hình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Để kinh tế biển, đảo sớm trở thành một mũi nhọn

01/11/2013 00:00

Luật sư Trần Cảnh Nhất, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét để kinh tế biển, đảo sớm trở thành một mũi nhọn.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 31/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước. Sau đây là một số ý kiến của cử tri về phiên thảo luận tại Quốc hội.           
   
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Ảnh: TTXVN
   
Tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và triển khai các dự án, công trình   
  Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền, năm qua kinh tế - xã hội của Hải Phòng cũng gặp những khó khăn. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, thành phố Hải Phòng nỗ lực hết sức để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể như báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cấp điện ổn định nhằm bảo đảm cho các dự án lớn trên địa bàn hoạt động ổn định, phát huy công suất theo kế hoạch đề ra như: Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Kyocera Mita Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.
   
  Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát việc thực hiện nhiệm vụ 9 tháng qua, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ có khả năng hoàn thành kế hoạch; rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, xử lý các khoản nợ đọng, thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và triển khai các dự án, công trình. Hải Phòng tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động trong chương trình Năm du lịch Quốc gia 2013, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ công tác thẩm định đối với hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
   
  Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Dương Ngọc Tuấn nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm; nhấn mạnh, để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô thì vai trò của của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chính phủ cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ chuyên môn cao, khả năng thích ứng tốt, có kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến kinh tế trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm với thị trường của nhiều giám đốc doanh nghiệp ở Hải Phòng "còn non". Giám đốc doanh nghiệp được đào tạo bài bản chưa nhiều vì thế khả năng thích nghi điều hành trong điều kiện kinh tế - xã hội liên tục biến động chưa tốt. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp, Hải Phòng đã mời các chuyên gia đầu ngành tổ chức tập huấn về các vấn đề quản trị doanh nghiệp, thuế…  
   
Để kinh tế biển, đảo sớm trở thành một mũi nhọn         
  Luật sư Trần Cảnh Nhất, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng: Các ý kiến của Đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên thảo luận ngày 31/10 đề cập đến nhiều lĩnh vực; trong đó nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề cần phát triển mạnh và có hướng tập trung đầu tư cho kinh tế biển, đảo. "Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét một cách rốt ráo những ý kiến này để kinh tế biển, đảo sớm trở thành một mũi nhọn.
   
  Qua theo dõi báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp lần này, tôi thấy dù Chính phủ đã năng động, sáng tạo trong điều hành, có nhiều nỗ lực trong xử lý điểm nghẽn tín dụng, hàng tồn kho, nợ xấu… nhưng nền kinh tế vẫn đang rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng... Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm về quản lý Nhà nước của các bộ, ngành Trung ương trong tổ chức điều hành kinh tế - xã hội. Phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm vì sao tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng chưa đạt yêu cầu, còn tái cơ cấu đầu tư công thì chưa có đề án. Chính phủ cần chỉ đạo nhất quán, lộ trình đưa ra phải rõ ràng trong quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm, phải gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương. Sớm khắc phục phân bố nguồn lực dàn đều, khuyến khích các địa phương có nguồn lực, nguồn thu lớn có động lực phát triển.  
   
  Cử tri Nguyễn Ngọc Minh (cán bộ hưu trí) ở phường Thanh Bình, thành phố Đà Nẵng có ý kiến: Là một người dân, tôi rất phấn khởi với những kết quả đạt được dưới sự điều hành của Chính phủ trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân thời gian qua. Tuy vẫn còn một vài chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đặt ra. Chính phủ cần có giải trình nêu rõ nguyên nhân vì sao để cử tri biết, hiểu được những khó khăn trong quá trình điều hành nền kinh tế vĩ mô. Tôi thấy trong phần trả lời bổ sung của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chưa thật cụ thể.   
        
Cử tri thật sự quan tâm về vấn nạn tham nhũng   
   Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 73 vụ, 80 người có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng.  Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét: Chính phủ báo cáo đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa song tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. So với năm 2012, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tăng cả về số vụ và người phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố 91 vụ với 202 bị can). Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 34%...
   
  Với thực tế nêu trên, cử tri thật sự quan tâm về vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, tội tham nhũng còn bị xử lý quá nhẹ, một số vụ án tham nhũng lớn còn để dây dưa, kéo dài. Ngay trong Kỳ họp này, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần đề ra cách thức, biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn như kiểm tra, giám sát hơn để hỗ trợ cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc phòng chống tham nhũng.  
   
Tăng cường kiềm chế lạm phát, đồng thời với kích thích tăng trưởng        
  Cử tri tỉnh Bình Dương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).        
   
  Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng: Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2013 phản ánh đúng thực chất tình hình về kinh tế - xã hội của nước ta có những chuyển biến tích cực. Trong đó, cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra năm 2013 là tăng cường ổn định về kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn và đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù vậy, còn ba chỉ tiêu chưa đạt được kế hoạch Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP, tỷ lệ vốn đầu tư các công trình xã hội và số giải quyết tạo việc làm.
   
  "Với kết quả như vậy, theo tôi Chính phủ đã kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp về kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điểm sáng trong tình hình kinh tế của nước ta hiện nay. Mặc dù vậy, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nói chung và tình hình sản xuất nói riêng còn nhiều thách thức, đây là hệ quả của quá trình Chính phủ phải thực hiện nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, có ý kiến chưa đồng tình là do Chính phủ thực hiện quá mức ưu tiên kiềm chế lạm phát, vì vậy đã thắt chặt các nguồn lực đầu tư cho thị trường. Do đó, đối với nền kinh tế 2014, một mặt tăng cường kiềm chế lạm phát nhưng cần đảm bảo chính sách tài khóa và tiền tệ “cởi trói” ưu tiên cho thị trường phát triển linh hoạt hơn để kích thích tăng trưởng. Đề xuất của Chính phủ tăng mức trần bội chi, theo tôi cần phải kiểm soát tốt việc tăng bội chi này, Chính phủ cần đưa ra một danh mục đầu tư cụ thể và có kiểm soát quá trình bố trí vốn thực hiện đúng mục đích và hiệu quả", ông Cường nhận xét.    
   
  Cử tri Nguyễn Quốc Cường ủng hộ gói trái phiếu Chính phủ 170.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 2015, trong đó ưu tiên cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cần có danh mục đầu tư cụ thể trên cơ sở xác định tính ưu tiên, tính bức xúc và những công trình này mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.                
        
Cần biện pháp cụ thể đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
  Cử tri Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp định vị Việt (thành phố Thủ Dầu Một - Bình Dương) nêu ý kiến: "Phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội đã đề cập rất nhiều vấn đề, trong đó chú trọng kích thích sản xuất, cứu doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ còn thiếu biện pháp cụ thể đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí quá khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ nguồn vốn trong thời gian qua. Tôi cho rằng, nhà đầu tư, doanh nhân trẻ băn khoăn khi thị trường bị “siết” khiến các doanh nghiệp khó khăn. Chính phủ cần có những chính sách thực tế “cởi trói” cho các doanh nghiệp. Lộ trình kinh tế thị trường cũng phải gắn lộ trình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì lực lượng doanh nghiệp này trong tương lai cũng sẽ là nguồn lực không nhỏ đóng góp cho nền kinh kế trong nước và GDP, cũng như tạo việc làm cho người lao động".
   
  Ông Nam nêu ý kiến cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tiêu cực, nâng cao bộ máy quản lý gần gũi với sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, thuận lợi thì chắc chắn nền kinh tế - xã hội sẽ ngày càng lớn mạnh.
Minh Thu – Văn Sơn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến cử tri về tình hình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Để kinh tế biển, đảo sớm trở thành một mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO