Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây

Văn Dinh| 09/10/2022 11:10

Hội nghị nhằm thu hút nhiều hãng tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây; có nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, gia tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang; ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT; ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cùng sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logisitcs, các nhà đầu tư.

z3783101378432_1fa7bf1630405ac2532218bf12496aba.jpg

Quang cảnh hội nghị

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5÷6 triệu tấn/năm. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450 m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dài 300 m, sẽ hoàn thành vào quý I/2026; các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện. Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, khu bến Chân Mây đã được bổ sung công năng khai thác tàu container.

309603104_410610247909234_8449157437954897112_n.jpg

Toàn cảnh cảng Chân Mây

Hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên - Huế.

z3783101370156_e865da546bc051ce44f070a48883dd41(1).jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2021, Thừa Thiên - Huế đứng 8/63 tỉnh/thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); giữ ngôi vị thứ 2 về chỉ số chuyển đổi số (DTI).

“Tôi tin tưởng rằng, với sự nổ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển vượt bật trong thời gian tới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Phương nói.

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chứng kiến lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bến số 4 và số 5 cảng Chân Mây, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và 8 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

z3783101348976_f694d5f333a465aa8ba88a40c1f84366.jpg

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Trong bài tham luận của mình, lãnh đạo Công ty CP Cảng Chân Mây cho rằng, muốn thực hiện và làm được hàng container thì cần phải có định hướng, các chính sách ưu đãi dài hạn và sự đầu tư đồng bộ cũng như vai trò “nhạc trưởng” của nhà nước là rất quan trọng. Phải xác định rằng ngay bây giờ và không thể muộn hơn, khi tuyến container được hình thành và duy trì tại Chân Mây sẽ tạo động lực trong việc thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung. Để phát huy hiệu quả mở tuyến vận tải container tại Chân Mây, UBND tỉnh cần có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nhau nhằm phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh nhà và các cơ quan liên quan của Thừa Thiên Huế phải nỗ lực hết sức, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất...

z3783101894071_267632f2069dab0c484292f7d2da7d35.jpg

Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, sau hội nghị hôm nay, với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương, chính sách thu hút tàu container của tỉnh, sẽ có nhiều hãng tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây; có nhiều doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, gia tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên -Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, chuyên nghiệp để xứng đáng là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, ông Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO