Xuân Trường Sa - Xuân không Covid

Mai Thắng| 21/12/2021 12:12

(TN&MT) - Xuân Nhâm Dần 2022, quân và dân ở 21 đảo, điểm đảo của 33 điểm đóng quân thuộc Quần đảo Trường Sa đón Tết trong niềm vui hơn ở đất liền. Bởi nơi đây hoàn toàn không có Covid-19, chỉ có tình quân dân thắm thiết giữa tiết Xuân biển đảo Trường Sa.

Nhân đôi niềm vui khi Tết đến Xuân về

Nói đến Tết ở Trường Sa bao giờ cũng xúc động, thiêng liêng. Bởi chủ nhân của những hòn đảo giữa trùng dương xa xôi ấy, là những thế hệ người lính hải quân cả năm xa nhà biền biệt, nỗi nhớ đất liền, gia đình, vợ, con luôn đau đáu trong tim họ. Song, mỗi khi Xuân về Tết đến, họ vẫn vui vẻ ở lại canh đảo với tinh thần “đảo có vững chắc đất liền mới đón Tết yên bình”.

Đem mùa xuân đi đảo. Ảnh: Mai Thắng

Thêm một năm nữa đón Xuân ngoài đảo Cô Lin, đảo trưởng Đại úy Nguyễn Văn Cường luôn coi ở lại đảo làm nhiệm vụ là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, dẫu đất liền, gia đình luôn đau đáu trong lòng anh. Chia sẻ từ Cô Lin, đại uý Cường bảo: “Ngày thường nỗi nhớ đất liền đã da diết, Tết đến Xuân về nỗi nhớ càng tăng lên. Đã là bộ đội tuyến đầu Tổ quốc, việc đón Tết xa nhà là bình thường. Năm nay đảo chúng tôi đón Tết đặc biệt hơn mọi năm, đó là hoàn toàn không có Civid-19. Tất cả 100% cán bộ chiến sĩ được tiêm phòng vắc xin đủ 2 mũi. Mọi người vui vẻ, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra với tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.

Trước phút tàu tạm biệt đất liền, Ảnh: Mai Thắng

Lần đầu tiên đón Xuân ngoài đảo, Hạ sĩ Tống Văn Khoa ở phân đội hỏa lực đảo Sinh Tồn chen lẫn nhớ nhà, nhớ đất liền là niềm vui khó tả. Cậu lính trẻ quê gốc xứ Thanh có nước da “bánh mật” sạm đen nắng gió nói oang oang trong điện thoại đặc giọng miền biển: “Từ tháng 11 âm lịch, tôi đã có cảm giác lâng lâng mùa xuân gõ cửa trong lòng. Cứ mường tượng ra cảnh cùng đồng đội gói bánh chưng, đón giao thừa giữa đảo, rồi nghe tiếng bố mẹ nói qua điện thoại lúc giao thừa, cảm giác thiêng liêng xúc động lắm. Gia đình tôi có truyền thống bộ đội, nên cũng cảm giác yên lòng khi bố mẹ ở quê. Niềm vui nhất của tôi mùa Xuân này, là được tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Ở đảo bây giờ đời sống vật chất tinh thần ngày càng tốt hơn, nên đón Tết ở đảo cũng như ở đất liền. Bên tôi luôn có đồng đội nên nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi hơn nửa”- Khoa chia sẻ.

Kỷ niệm mùa xuân chiến sĩ, Ảnh: Mai Thắng

Thêm một mùa Xuân đón Tết xa đất liền, thầy giáo trẻ Bành Hữu Tình ở thị trấn Trường Sa xúc động chia sẻ từ đáy lòng, vì đây là Tết cuối trong “lộ trình” 5 năm dạy học ở Trường Sa. “Mỗi thầy được dạy học ở Trường Sa 5 năm. Trường Sa đã trở thành máu thịt với tôi. 5 năm liên tục đón Tết ở Trường Sa có rất nhiều kỷ niệm. Song nhớ nhất vẫn là phút giao thừa đầu năm mới, tôi cũng các em học sinh ngồi quây quần bên nhau giữa đường băng Trường Sa. Tôi kể cho các em nghe chuyện đón Tết truyền thống của người Việt xưa đẹp như cổ tích. Chuyện bánh chưng, bánh dầy; chuyện nổ pháo mỗi dịp Xuân đến Tết về. Có em học trò “không chịu ngủ” dù đã sang canh 2 giờ sáng. Có em thấp thỏm mừng rỡ trong váy áo đẹp. Tất cả những kỷ niệm mùa xuân đẹp đẽ ấy, luôn nhân lên niềm vui trong tôi khi Tết đến Xuân về”.

Chào cờ đầu năm mới trên đảo Trường Sa, Ảnh: Thế Anh

Trong khi đó Đại đức Thích Tâm Tri, Trụ trì chùa Sinh Tồn vẫn xúc động không nguôi khi kể về phút giao thừa giữa sóng gió Sinh Tồn: “Ngoài đảo Sinh Tồn, trước phút giao thừa thiêng liêng lắm. Nhà chùa thỉnh ba chuông dài để khai báo Xuân sang, khai trí tinh thần, dâng hương nguyện cầu cho quốc thái dân an, biển đảo yên bình. Sớm mùng một Tết, chúng tôi mở cửa đón bộ đội, bà con ngư dân vào lễ chùa. Ở đâu có bộ đội, có người dân sinh sống, ở đó có chùa và văn hoá lễ chùa. Đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta”, Đại đức Thích Tâm Tri chia sẻ.

Xuân bình an, xuân không Covid

Ngày 6-11-2021, biên đội tàu KN-462, KN-457 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 chở đoàn bác sĩ, y tá và cơ số thuốc vắc xin phòng chống Covid-19 ra đảo Trường Sa thực hiện tiêm phòng cho quân, dân ở 33 điểm đóng quân và ngư dân khai thác đánh bắt hải sản. 100% cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo đã được tiêm mũi 2, bảo đảm an toàn chống dịch.

Đảo chìm, Ảnh: Mai Thắng

Từ Làng chài đảo Sinh Tồn, Trung úy chuyên nghiệp Phạm Huy Quân thuộc Trung tâm Hậu cần Kỹ thuật cho biết, âu tàu Sinh Tồn là địa điểm điển thường xuyên tiếp xúc với bà con ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực vào sữa chữa, cứu hộ cứu nạn, nên việc nêu cao cảnh giác, phòng chống covid-19 được luôn được đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi coi phòng chống covid-19 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nói chung, và đón Xuân Nhâm Dần nói riêng. Trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch covid -19, chúng tôi luôn nâng cao cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn dịch từ xa. Đối với bà con ngư dân vào đảo xin hỗ trợ, hoặc cung ứng nhiên liệu xăng dầu, ngư cụ, tuyệt đối thực hiện 5K, an toàn đặt lên hàng đầu", Trung úy Huy chia sẻ.

Trò chơi đẩy gậy mùa xuân ở đảo Sinh Tồn, Ảnh: Thế Anh

Xuân Nhâm Dần 2022, là một Xuân đặc biệt không chỉ đối với hơn 95 triệu dân trên mọi miền đất nước, mà còn đặc biệt đối với cán bộ chiến sĩ Trường Sa. Cả nước tạm thời “thoát hiểm” sau đợt dịch thứ tư bùng phát, nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ thách thức lớn mới trước biến chủng covid đang có chiều hướng lan rộng toàn cầu. Trước tình thế ấy, người lính Trường sa vừa đang căng mình thực hiện “mục tiêu kép”, vừa vững chắc tay súng canh biển giữ trời, vừa cảnh giác cao độ phòng dịch covid-19.

Mặc dù Trường Sa không có Covid-19, nhưng chưa bao giờ quân dân Trường Sa lơ là chống dịch. Vui Xuân không quên nhiệm vụ, “giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc’ và “chống dịch như chống giắc” là “mục tiêu kép” mà cán bộ chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm phấn đấu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, cán bộ chiến sĩ Trường Sa đang “căng mình” đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng niềm vui của họ thực sự trọn vẹn khi biển, đảo yên bình, nhân dân cả nước đón Tết bình an trong điều kiện bình thường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân Trường Sa - Xuân không Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO