Xử lý triệt để nước thải y tế: Khó trăm bề

18/06/2017 00:00

(TN&MT) - Kiểm soát chất thải, đặc biệt là nước thải y tế luôn là vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm bởi nếu không được xử lý tốt đây sẽ là “mầm mống” của rất nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để giải quyết dứt điểm tình trạng xả nước thải y tế ra ngoài môi trường đang gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Chỉ 60% cơ sở xử lý đạt yêu cầu

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, trong đó có gần 1.400 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên và hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân…

Điều này một lần nữa được khẳng định trong kết quả thực hiện Đề án 2038, một đề án tổng thể xử lý chất thải giai đoạn 2011- 2015 và định hướng giai đoạn 2020, trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt. Tuy nhiên về nước thải y tế ở cả tuyến bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại tuyến Trung ương là 95%, tại tuyến tỉnh là 71,2% và ở tuyến huyện là 78,4%. Kết quả thực hiện Đề án cũng nói rõ, về cơ chế xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, hiện nay có 60,4% bệnh viện thuê vận chuyển ra ngoài và xử lý và 39,6% bệnh viện tự xử lý ở những nơi không có đơn vị cung cấp. Đối với cơ chế xử lý nước thải y tế, hiện nay ngành y tế đang có hai mô hình xử lý, nhưng hầu hết là xử lý tại chỗ. Kinh phí đầu tư cho xử lý nước thải y tế chủ yếu từ ngân sách Nhà nước với quy mô dưới 20 tỉ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được biết hằng ngày, hằng giờ vẫn còn lượng chất thải rất lớn từ các bệnh viện chưa được xử lý xả thải ra môi trường, là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm. Thế nhưng, hiện việc đầu tư nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế chưa được như mong muốn, thậm chí có bệnh viện, người đứng đầu không quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

“Hiện còn khoảng 400 bệnh viện cần được đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Mặt khác, tại các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế, công tác vận hành, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng còn khó khăn do thiếu kinh phí vận hành và thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để quản lý...” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.

Công trình nước thải y tế tại nhiều bệnh viện được đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay (ảnh Internet)
Công trình nước thải y tế tại nhiều bệnh viện được đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay (ảnh Internet)

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn thì theo lý giải của ông Nguyễn Văn Dung - Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho rằng, do Hà Nội hiện có 11 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế trước đây đã xuống cấp nên cần đầu tư sửa chữa.

Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế Doãn Ngọc Hải cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu đánh giá độc lập của Viện ở gần 100 bệnh viện trên cả nước cho thấy, vấn đề tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý nước thải y tế chính là khâu vận hành. Viện trưởng Hải cho rằng nguyên nhân của việc chất luợng nước thải không bảo đảm liên quan một phần tới việc để các bệnh viện tự bố trí cán bộ vận hành hệ thống xử lý nước thải, cán bộ vận hành không có chuyên môn, không được chuẩn hóa thì rất khó đảm bảo các chỉ tiêu nước đầu ra.

Kinh phí – chìa khóa mấu chốt

Một trong những khó khăn chính hiện nay để giải “bài toán” nước thải y tế đó là kinh phí, bởi từ trước đến nay, nguồn này chủ yếu trông chờ vào ngân sách Điều này đã được Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, Nguyễn Thị Liên Hương chỉ rõ khi cho rằng  kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các bệnh viện hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng. Ngoài tình trạng đa số bệnh viện thiếu kinh phí để đầu tư (400 bệnh viện có nhu cầu đầu tư),…

Để giải quyết vấn đề này, tại Hội thảo Góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện công tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Long cho rằng “chìa khóa” để giải quyết vấn đề kinh phí đó là ngành y tế cần một cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để thu hút và huy động các thành phần xã hội tham gia vào xử lý nước thải y tế, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và tăng tính chuyên nghiệp trong vận hành hệ thống. Cụ thể , Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết định, dự thảo Tờ trình Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập. Theo dự thảo này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện sẽ được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: “Bộ Y tế đã chủ động trình và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế để bảo đảm đạt mục tiêu về xử lý chất thải y tế. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ liên quan, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế”.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng để quản lý kinh phí trong đầu tư xử lý nước thải y tế hiệu quả cần phải quan tâm tới các vấn đề như  nội dung như thẩm quyền trong việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế, nguyên tắc phân bổ và sử dụng kinh phí thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế, mức giá chi trả dịch vụ xử lý nước thải, vấn đề chất lược nước thải đầu ra, chi phí bảo trì, bảo hành…

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý triệt để nước thải y tế: Khó trăm bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO