Xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt

Hoàng Ngân| 04/08/2022 13:47

(TN&MT) - Tại Hải Phòng, công tác vệ sinh môi trường được Thành ủy, HĐND, UBND và các sở ngành liên quan đặc biệt quan tâm và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong hoạt động phát triển của thành phố.

100% rác thải đô thị được thu gom, vận chuyển và xử lý

Trong giai đoạn 2016 - 2021, thành phố đã quan tâm, đầu tư trong lĩnh vực BVMT, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thu gom đã đáp ứng yêu cầu của người dân và tốc độ đô thị hóa. Đường phố sạch đẹp, rác thải đường phố được giảm thiểu và thu gom triệt để, được tưới nước rửa đường, người dân ngày càng có ý thức trong việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Tỷ lệ thu gom và xử lý tăng lên từ năm 2016 đạt 97% đến năm 2021 đạt 100%, không có tình trạng tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt trong các khu dân cư (đạt chỉ tiêu về thu gom, xử lý hợp vệ sinh chất thải sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ 100% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ thành phố năm 2015).

vphrhp-facade2.jpg

Vinpearl Rivera Hải Phòng luôn tiên phong trong việc đảm bảo cảnh quan môi trường.

Công tác tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định được tiến hành sâu rộng (chợ, nhà hàng khách sạn, cơ sở sản xuất, trường học, công sở, khu dân cư, người dân) bằng nhiều hình thức khác nhau. Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn hiện nay đạt khoảng 10% (từ 70 - 100 tấn rác hữu cơ/ngày). Tất cả các chợ, nhà hàng, khách sạn tại các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền đã thực hiện phân loại rác; phần lớn các trường học, công sở và nhiều tổ dân phố đã và đang thực hiện công tác phân loại rác.

Công tác vận chuyển được thực hiện 100% bằng xe ép rác chuyên dụng, bố trí riêng biệt các xe chở rác hỗn hợp, rác hữu cơ, rác cồng kềnh đồng bộ với công tác phân loại tại nguồn. Ứng dụng công nghệ thông tin GPS trực tuyến vào hoạt động giám sát, quản lý xe ô tô vận chuyển rác thải về các bãi chôn lấp tập trung.

Việc vận hành các bãi chôn lấp tại khu vực đô thị đáp ứng về BVMT, nhiều năm gần đây không để xảy ra sự cố tại các khu xử lý. Cơ sở phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải hữu cơ, rác thải cồng kềnh được thu gom, phân loại tại nguồn. Các kết quả quan trắc định kỳ về không khí, nước mặt… xung quanh bãi rác đạt quy chuẩn.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn được thu gom tăng lên từ năm 2016 đạt 85% đến năm 2021 đạt 98% (đạt chỉ tiêu về thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn đạt tỷ lệ 90% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ thành phố). Đối với chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố cơ bản được thu gom và xử lý đạt 100%.

Ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế (chủ yếu là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại đô thị; chôn lấp tại các bãi rác tạm tại nông thôn), chưa đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam và thế giới; công tác phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai thực hiện phổ biến; chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp, từ làng nghề được xử lý đạt tỷ lệ rất thấp; chưa có thống kê và chưa có quy hoạch vị trí khu xử lý đối với chất thải từ bùn bể tự hoại, bùn từ nạo vét cảng biển, sông, hồ và các nguồn nước khác. Còn tình trạng chất thải y tế thông thường xử lý bằng phương pháp đốt tại lò đốt thủ công của trạm y tế xã, chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT.

Mặt khác, với xu hướng gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế xã hội thì chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại sẽ tiếp tục gây áp lực đến công tác thu gom, vận chuyển và hạ tầng xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Theo tính toán của Hải Phòng, từ nay đến 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2026 - 2027 lượng rác thải phát sinh khảng 2.600 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2028 - 2030, lượng rác thải trên địa bàn Hải Phòng phát sinh khoảng 3.600 tấn rác/ngày. Trong khi đó, Hải Phòng hiện có 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt với công suất xử lý từ 850 - 1.100 tấn rác thải/ngày.

Để giải quyết thực trạng đó, Hải Phòng đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày.

Việc xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt có nhiều ưu điểm phù hợp với thực tiễn của Hải Phòng như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp (xỉ tro đáy lò khoảng 10 - 15% được tận dụng sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung; tro bay 3 - 5% được xử lý chôn lấp); nhiệt độ buồng đốt cao trên 1.100 độ, hạn chế tối đa quá trình sinh ra khí Dioxin/Furan; rác thải không yêu cầu phân loại tại nguồn; tiết kiệm quỹ đất sử dụng, có nguồn thu bù vào chi phí xử lý rác. Từ những đánh giá này, UBND TP. Hải Phòng lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt.

Theo đó, Nhà máy đốt rác phát điện có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày dự kiến được xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An). Đến năm 2027, hoàn thành đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Khu xử lý Trấn Dương (điện rác 1.000 tấn/ngày; dây chuyền chế biến phân mùn, công suất 200 tấn/ngày); các bãi rác tạm trên địa bàn thành phố được đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường.

Đến năm 2030 hoàn thành đầu tư xây dựng để đưa Nhà máy điện rác Đình Vũ giai đoạn 2 vào hoạt động, nâng tổng công suất các Nhà máy điện rác toàn thành phố lên 3.000 tấn/ngày.

Sau năm 2030, 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ tiên tiến. Quản lý chặt chất thải rắn theo toàn bộ vòng đời từ khâu phát sinh đến khâu xử lý cuối cùng, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, đáp ứng được nhiệm vụ BVMT, bảo đảm chất lượng môi trường sống, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững của thành phố.

Trong những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng công ích, các bãi xử lý rác thải được mở rộng và nâng cấp, qua đó năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được nâng cao, điều kiện làm việc của công nhân môi trường được cải thiện. Ngoài ra, Hải Phòng còn đưa các chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của thành phố.

Hiện nay, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh và được thu gom trên địa bàn thành phố khoảng 1.764 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 942 tấn/ngày; ở khu vực nông thôn khoảng 822 tấn/ngày. Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom, xử lý đạt 100% và được xử lý hợp vệ sinh bằng phương pháp chôn lấp, làm phân mùn vi sinh tại bãi xử lý rác Tràng Cát (44ha) và bãi rác Đình Vũ (15,6ha). Tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 98%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO