Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Còn nhiều thách thức

Tống Minh| 01/09/2020 19:15

(TN&MT) - Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD); tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức đáng kể cản trở nỗ lực thực thi pháp luật về vấn đề này.

Tình trạng buôn bán ĐVHD ở các cửa khẩu chính là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt

Buôn bán xuyên biên giới: khó bắt giữ

Cùng với Trung Quốc, Việt Nam vẫn là một điểm nóng trong thị trường buôn bán động vật hoang dã lớn trong khu vực và trên thế giới.

Theo thống kê của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), từ năm 2004-2019, trên 70% số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã trên thế giới đều liên quan đến Việt Nam. Trong đó có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính từ khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ; thân, vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù năm 2019 Việt Nam liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc nổi cộm nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã vẫn gặp nhiều khó khăn. Các tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia đã dùng nhiều chiêu thức tinh vi như sừng tê giác giấu trong thạch cao được vận chuyển bằng máy bay; ngà voi, vảy tê tê cất giấu trong nhựa đường. Chúng còn thường xuyên thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; địa điểm tập kết, kho bãi, không theo quy luật và không cố định.

Ghi nhận tình trạng này, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) phân tích, từ năm 2010 đến nay, chỉ có 18/138 vụ vi phạm về ĐVHD bị phát hiện tại cảng biển hoặc sân bay mà cơ quan chức năng bắt giữ và truy tố thành công các đối tượng phạm tội. “Tình trạng buôn bán ĐVHD ở các cửa khẩu chính là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt”, ENV nhận định.

Theo ENV, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ còn thấp trong việc bắt giữ và xử lý những đối tượng có liên quan trong các vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi, vảy tê tê hay sừng tê giác lớn xuyên biên giới. Nguyên nhân phổ biến có thể do cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ nhân thực sự của các lô hàng ĐVHD được vận chuyển đến Việt Nam.

Ngoài ra, sự thiếu minh bạch và không có sự chia sẻ thông tin hoặc không có sự phối hợp nhanh chóng, hiệu quả giữa cơ quan hải quan và lực lượng công an trong công tác điều tra cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ bắt giữ xử lý vi phạm về ĐVHD qua các cửa khẩu còn thấp. Nhiều đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD cũng cho biết đã “bao thầu” những tuyến vận chuyển ĐVHD xuyên quốc gia sau khi “lót tay” thành công một số cán bộ tại khu vực cửa khẩu.

Để khắc phục bất cập này, đại diện ENV cho rằng, tất cả những vấn đề nói trên cần phải được xử lý triệt để nhằm tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm tại khu vực biên giới và đưa ra ánh sáng các mạng lưới buôn bán ĐVHD quy mô đang nhập lậu một khối lượng lớn ĐVHD vào Việt Nam.

Ngoài ra cũng cần xem xét khả năng cho phép cơ quan chức năng thực hiện việc “giám sát giao hàng”, tức là cho phép hàng lậu thông quan tại cảng biển hay cảng hàng không nhưng các cơ quan điều tra sẽ “ngầm” giám sát chặt chẽ để lần theo manh mối từ bên nhận và bắt giữ các đối tượng có liên quan đến những lô hàng bất hợp pháp này.

Phải nghiêm trị “kẻ cầm đầu”

Việc thu giữ ngà voi, tê tê, hổ và các sản phẩm ĐVHD khác không mang nhiều ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD nếu những đối tượng cầm đầu, có vai trò lớn trong các đường dây buôn bán ĐVHD không bị bắt giữ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Dù tịch thu tang vật có thể giảm bớt một phần lợi ích bất chính của các đối tượng phạm tội nhưng thiệt hại về kinh tế sẽ không khiến một đường dây buôn bán ĐVHD sụp đổ trừ khi hoạt động thu giữ ĐVHD được tiếp nối bằng việc khởi tố, truy tố và xử lý các đối tượng có liên quan.

Để ngăn chặn tội phạm về ĐVHD, ENV đề xuất, không nên chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật – làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của hoạt động buôn bán ĐVHD mà cần xử lý cốt lõi của vấn đề bằng cách tập trung xác định, bắt giữ các đối tượng đứng sau những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép, từ đó triệt tiêu, xóa bỏ hoàn toàn các đường dây này.

Cùng với đó, các mạng lưới tội phạm ĐVHD có thể dính líu đến các hoạt động phạm tội khác như trốn thuế, rửa tiền. Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá và có biện pháp vận dụng hiệu quả các quy định có liên quan như các quy định trong lĩnh vực rửa tiền, trốn thuế, hay quy định về tội phạm có tổ chức,... để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý các đường dây buôn bán ĐVHD trái phép cũng như đưa những đối tượng cầm đầu các đường dây này ra ánh sáng.

Về phía các cơ quan chức năng, cũng cần xóa bỏ tình trạng tham nhũng, tiếp tay của một số cán bộ, khiến nhiều đối tượng tội phạm đã và đang ngang nhiên thực hiện các hành vi phạm tội mà không lo sợ bị phát hiện, bắt giữ, bị đưa ra xét xử hay phải đối diện với án phạt tù.

Quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng và minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự móc nối của các đối tượng tội phạm với các cán bộ thoái hóa, góp phần chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO