Xử lý dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam: Hồi sinh nhiều vùng "đất chết"

24/03/2015 00:00

(TN&MT) - Việt Nam 40 năm sau ngày đất nước toàn vẹn lãnh thổ, những di chứng của chiến tranh do chất độc da cam dioxin để lại vẫn gây hậu quả nặng nề. Tới nay bằng sự chung tay và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, ban ngành mà thứ chất độc đó đã dần được loại bỏ.

“Loại bỏ” Phù Cát ra khỏi danh sách điểm nóng

Theo chia sẻ của PGS. TS Lê Kế Sơn, Giám đốc dự án quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam, cách đây 7 năm sang New York (Mỹ) chúng tôi đã gặp vô vàn những khó khăn khi xin nguồn tài trợ để xử lý dioxin tại Việt Nam. Người Mỹ rất ngại khi đề cập đến chất da cam. Có những lúc người ta nói dioxin là "bóng ma” trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nên rất khó nhận được sự đồng ý cho tài trợ dự án này. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh không mệt mỏi của Việt Nam, sự ủng hộ của công luận, Quỹ Môi trường toàn cầu đã đồng ý xử lý ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa. Dự án được thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí là hơn 5 triệu USD (bao gồm gần 5 triệu từ GEF và 76 nghìn từ Cộng hòa Séc), với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác hại của dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người tại các điểm nóng này.

Hệ thống tường rào được xây dựng tại sân bay Biên Hòa
Hệ thống tường rào được xây dựng tại sân bay Biên Hòa

Tới nay, sau hơn 4 năm triển khai đã hoàn thành công trình xây dựng bãi chôn lấp dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định) và xử lý được hơn 7.500 m3. Nỗ lực này đã đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với hai điểm nóng còn lại là sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng dự án đã hoàn thành Kế hoạch tổng thể xử lý dioxin. Các nhà khoa học đã ước tính được lượng đất ô nhiễm cần xử lý, miêu tả các con đường phơi nhiễm dioxin, đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của dioxin đến môi trường và con người, phân tích một số thông tin liên quan.

Ngoài ra, dự án đã hoàn thành báo cáo quốc gia về phát thải dioxin “Phát thải dioxin từ các nguồn công nghiệp”. Đây sẽ là báo cáo đầu tiên về thực trạng ô nhiễm dioxin từ nhiều nguồn ở Việt Nam dựa trên kết quả phân tích hơn 200 mẫu được thực hiện. Song song với khảo sát này, hệ thống GIS quản lý toàn bộ dữ liệu dioxin liên quan cũng được được đưa vào sử dụng và đã được chuyển giao cho Văn phòng 33  lưu giữ và tiếp tục cập nhật.

Dự án cũng đã đề xuất được các ngưỡng dioxin trong khí thải và nước thải. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý ô nhiễm với quá trình xử lý dioxin tại các sân bay và tìm ra được hướng đánh giá hiệu quả công nghệ áp dụng cho khu vực này. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm về quản lý và xử lý dioxin nói chung và các chất POPs nói riêng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước trên thế giới.

Nỗ lực loại dioxin ra khỏi môi trường sống

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc loại bỏ ám ảnh của “bóng ma” dioxin ra khỏi cuộc sống tại các điểm nóng, dự án đã tổ chức hàng loạt hội thảo chuyên đề và các buổi tập huấn. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp cận với những thông tin mới nhất về dioxin trên thế giới, đồng thời cũng là dịp chia sẻ vấn đề dioxin ở Việt Nam cho bạn bè quốc tế, kêu gọi sự ủng hộ trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm da cam/dioxin ở Việt Nam.

Xây dựng hệ thống cách ly ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Xây dựng hệ thống cách ly ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Riêng sân bay Biên Hòa đã có 380 người tham dự trực tiếp các buổi tập huấn và họp trong chiến dịch truyền thông; khoảng 3.800 người dân sống tại các khu phố xung quanh sân bay đã được phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Đồng thời họ cũng có điều kiện tiếp cận với các áp phích dán tại địa điểm cộng đồng và được nghe các nội dung tuyên truyền về tác hại cũng như cách phòng tránh phơi nhiễm dioxin. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam đề nghị, việc nâng cao hơn nữa công tác truyền thông trong cộng đồng nhằm thúc đẩy những tập quán, hành vi an toàn cũng quan trọng không kém những nỗ lực xử lý ô nhiễm. Bởi, việc cung cấp những thông tin chính xác và vận động nâng cao nhận thức sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm thiểu tác hại của dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, với mục đích giảm lượng phát thải dioxin từ khu Pacer Ivy trong sân bay Biên Hòa ra ngoài và xuống hạ lưu sông Đồng Nai, hơn 10.000 m2 đất ô nhiễm được ngăn chặn cô lập bằng các tuyến mương và tường chắn, ngăn không cho nước mặt chảy qua khu ô nhiễm cuốn theo đất ô nhiễm gây ô nhiễm thứ cấp trên diện rộng.

Những kết quả nổi bật mà dự án đã thực hiện được góp phần không nhỏ trong việc loại bỏ dioxin - thứ chất độc gieo rắc bao nhiêu nỗi đau còn hiện hữu và trả lại sự yên bình cho con người và môi trường Việt Nam

Nguyễn Cường

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam: Hồi sinh nhiều vùng "đất chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO