Ngày 2/10, Bộ Tư lệnh Hóa học (thuộc Bộ Quốc phòng) tổ chức lễ khởi công dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Tư liệu được trưng bày tại lễ khởi công |
Gần 16.000 người ở Huế nhiễm dioxin
Trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Tại đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung.
Trong vòng 10 năm (1961- 1971), Thừa Thiên Huế mà trọng điểm sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin). Do đó, Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới khoảng 5.000 người.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Hóa học, từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát cho thấy đã có bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So. Nếu lấy mục tiêu xử lý là 40 ppt (đất trồng cây hàng năm theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 45:2012/BTNMT) thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3. Trong đó, khoảng 6.600m3 đất nhiễm chất độc có nồng độ ô nhiễm trên 200 ppt.
Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So |
Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án.
Qua phân tích, đánh giá, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (Naccet) đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất tiến tới xử lý triệt để khối lượng đất nhiễm chất độc da cam dioxin tại sân bay A So phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam.
Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” dự kiến được tiến hành trong giai đoạn từ 2020 – 2022, có tổng kinh phí hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đại diện các gia đình bị nhiễm chất độc dioxin đến dự lễ. Người dân đã mong chờ dự án này từ lâu |
Phục hồi, bảo vệ môi trường sống
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Thiên Định cho biết, trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, nhiều giải pháp được triển khai tại khu vực sân bay A So. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới đã tổ chức tái định cư cho bà con 3 xã lân cận khu vực sân bay để bảo đảm sức khoẻ. Xung quanh sân bay đã được trồng hàng rào bồ kết để ngăn chặn người và súc vật đi vào bên trong.
“Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình, đẩy nhanh việc thực hiện dự án tẩy độc dioxin tại sân bay A So của Bộ Quốc phòng; cảm ơn các cơ quan Trung ương cùng các tổ chức quốc tế đã có nhiều hoạt động nhân đạo, thiết thực để chia sẻ, giúp đỡ nhân dân địa phương trong việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị trong thời gian tới”, ông Định nói.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và lãnh đạo Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày chứng tích chiến tranh sân bay A So |
Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh lễ khởi công dự án đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường tại một địa phương anh hùng ở mảnh đất miền Trung kiên cường, giàu truyền thống cách mạng.
Theo Thượng tướng, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây là hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hiệp quốc.
“Thời gian tới, các thành phần xã hội, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế bằng những hành động cụ thể sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng, thiết thực, ngày càng nhiều hơn trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, xử lý ô nhiễm, phục hồi, bảo vệ môi trường sống; thiết thực hỗ trợ các nạn nhân và gia đình giảm nhẹ bớt những nỗi đau do chất độc da cam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tặng quà cho các gia đình ảnh hưởng chất độc dioxin |
Về dự án, Thứ trưởng Vịnh lưu ý, khối lượng dự tính ban đầu có thể sẽ phát sinh nên trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải thường xuyên báo cáo lên trên để kịp thời hỗ trợ, nhất là bố trí kinh phí. Mặt khác, dự án nằm sát với khu dân cư, nên theo Thứ trưởng nếu cần thiết có thể di dời tạm thời người dân ra khỏi khu vực để đảm bảo sức khỏe cho họ. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị khi làm nhà kho, nhà ở cho công nhân ở cần xây dựng kiên cố, chắc chắn để sau khi hoàn thành dự án có thể bàn giao lại cho chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích dân sinh, công trình công cộng...
Đợt này, Binh chủng Hóa học còn trao 41 suất quà, mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin của xã Đông Sơn, huyện A Lưới.