Xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Thanh Hóa: Tín hiệu mừng

24/04/2017 00:00

(TN&MT) – Thanh Hóa là tỉnh có số lượng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tương đối lớn thế nhưng nhờ sợ theo dõi sát sao, giám sát chặt chẽ, áp dụng các biện pháp khống chế ô nhiễm nên Thanh Hóa không có các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có những tín hiệu đáng mừng.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian thực hiện các biện pháp xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở TN&MT có văn bản hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường. Đối với các bệnh viện: Yêu cầu giám đốc các bệnh viện tăng cường công tác thu gom, phân loại chất thải, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh thoát nước mưa và nước thải. Sử dụng hóa chất khử trùng nước thải trước khi thải ra môi trường. 

Một điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc
Một điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc

Đối với các bãi chôn lấp rác thải: Yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành bãi rác chôn lấp thực hiện quy trình chôn lấp hợp vệ sinh, tăng cường đầm nén bãi chôn lấp, định kỳ lấp phủ đất bề mặt bãi chôn lấp, sử dụng các men vi sinh, hóa chất khử trùng để hạn chế phát sinh mùi hôi thối và côn trùng; Đối với các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: Hướng dẫn lắp đặt hàng rào, biển báo, thông báo cho nhân dân không sinh sống, canh tác tại khu vực bị ô nhiễm. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm phát tán khác như đắp bờ bao che, đào mương thoát nước xung quanh, xây dựng tường rào chắn, che phủ bạt mái nhà kho bị xuống cấp… Đôn đốc chủ cơ sở khẩn trương thực hiện dự án xử lý triệt để ô nhiễm.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh Thanh Hóa có 11 cơ sở. Đến nay, đã có 8/11 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm và được Giám đốc Sở TN&MT ban hành quyết định cho phép rút ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (4 bệnh viện, 3 doanh nghiệp, 1 làng nghề), 3 cơ sở còn lại cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm và lập hồ sơ rút khỏi danh sách. 

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ – TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 10 cơ sở (5 bệnh viện và 5 bãi chôn lấp rác thải). Đến nay, có 5 bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, 5 bãi chôn lấp rác thải đang tiến hành thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh sau ngày 01/10/2013 có 39 cơ sở, nhưng đây thực tế là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường từ những năm trước đây, không có các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 2 dự án xử lý ô nhiễm môi trường cho 2 cơ sở nằm trong Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ gồm Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa và Hệ thống xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa với tổng kinh phí trên 133 tỷ đồng.

Dự án Hệ thống xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa đã và đang đi vào hoạt động góp phần xử lý ô nhiễm môi trường
Dự án Hệ thống xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa đã và đang đi vào hoạt động góp phần xử lý ô nhiễm môi trường

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc còn tồn tại như: Số lượng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, tiến độ xử lý ô nhiễm vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Hiện còn 3 cơ sở thuộc danh mục Quyết định 64/2003/QĐ – TTg và 82 cơ sở thuộc danh mục Quyết định 1788/QĐ – TTg và các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chưa được xử lý ô nhiễm. Trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị chủ quản chưa cao, công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động đấu mối tìm nguồn vốn hỗ trợ thực hiện xử lý ô nhiễm.

Các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi đó nguồn ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, không bố trí đủ kinh phí dành cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường. Nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí để thực hiện. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để đều thuộc khu vực công ích nên việc tổ chức cưỡng chế, tạm thời đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các cơ sở cố tình chậm hoàn thành xử lý triệt để theo tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gần như là không thể thực hiện được.

Bài & ảnh: Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Thanh Hóa: Tín hiệu mừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO