(TN&MT) - Một trong những biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Nam Định là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý với các vi phạm. Việc làm này vừa bảo đảm các yêu cầu về BVMT, vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Tăng cường kiểm tra xử lý ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở TN&MT Nam Định, thực hiện Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương xóa bỏ tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh Nam Định đã tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện di chuyển các cơ sở, doanh nghiệp này ra các khu, CCN; nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị bảo vệ, xử lý, phòng chống ô nhiễm. Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng cách làm này đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cơ quan quản lý, đồng thời nâng cao nhận thức của các đơn vị thuộc danh sách “đen” ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm theo quy định của pháp luật.
Kết quả cho thấy, trong 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Quyết định 64, hiện đã có 4 cơ sở được chứng nhận ra khỏi “danh sách đen” ô nhiễm là Kho thuốc BVTV – Xí nghiệp thuốc sát trùng Nam Định, Công ty CP Dây lưới thép Nam Định, Bãi chôn lấp rác Lộc Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Còn lại 2 cơ sở là Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định và Công ty CP Dệt lụa Nam Định vẫn nằm trong danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bệnh viện Đa khoa Nam Định là đơn vị được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm
Hiện nay, Công ty CP Dệt lụa Nam Định đã thực hiện di dời phân xưởng nhuộm ra khỏi KCN Hòa Xá, tại vị trí mới Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 500 – 800m3/ngày đêm và đang lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Riêng Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định đang trong quá trình thực hiện di dời phân xưởng nhuộm và nhà máy động lực ra KCN Hòa Xá, xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà máy xử lý nước thải và đang vận hành thử nghiệm.
Hoạt động thanh, kiểm tra, đôn đốc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay đã được Nam Định xác định đẩy mạnh qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm buộc các doanh nghiệp phải thay đổi thái độ trách nhiệm và hành vi đối với công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng. Năm 2014, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra hướng dẫn quy định về BVMT cho 8 bệnh viện là các BV Đa khoa huyện Giao Thủy, Hải Hậu, TP Nam Định, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Ý Yên.
Đây là cách làm hay của tỉnh Nam Định, một mặt giáo dục ý thức cho các cơ sở về trách nhiệm BVMT, mặt khác tạo điều kiện để các cơ sở có lộ trình xử lý, khắc phục hạn chế theo quy định của Luật.
Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách BMVT
Kinh phí sự nghiệp môi trường là một bước tiến bộ và là yếu tố quan trọng giúp công tác bảo vệ môi trường có những cải thiện tích cực. Từ năm 2007, tỉnh Nam Định đã giành 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho công tác BVMT. Trong đó, 50% phân bổ trực tiếp cho các ngành, 50% hỗ trợ đầu tư cho các chương trình dự án mang tính cấp bách. Tổng kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2013 và 2014 của Nam Định là 269,832 tỷ đồng.
Nhờ đó, đến nay, tỉnh đã xây dựng xong và đưa vào vận hành 90 công trình bãi chôn lấp và xử lý rác thải hợp vệ sinh, vận hành trạm xử lý nước thải KCN Hòa Xá, 2 trạm xử lý nước thải của CCN Yên Xá (Ý Yên) và Xuân Tiến (Xuân Trường); vận hành nhà máy xử lý nước rỉ rác của Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa (TP Nam Định)… Các dự án này đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn, việc thu gom rác, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu đô thị và khu dân cư, chất thải công nghiệp nguy hại, y tế đã đạt được những kết quả tích cực: 173/204 xã, thị trấn có hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 111 xã thị trấn đầu tư xây dựng 116 bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh, tỷ lệ thu gom đạt 65%, chất thải y tế nguy haij được xử lý đạt 60%.
Đáng chú ý, Nam Định có 17 bệnh viện nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương và kinh phí hỗ trợ của trung ương, các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế để xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường. Bao gồm, 7 dự án thực hiện giai đoạn 2011 – 2012; 5 dự án trong giai đoạn 2012 – 2013; 5 dự án thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2014. Tính đến tháng 4/2014, tổng kinh phí đầu tư của 17 dự án xử lý nước thải y tế tuyến tỉnh Nam Định và huyện là gần 170 tỷ đồng. Đánh giá của Sở TN&MT cho thấy, đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đã cơ bản hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường.
Phương Anh