Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chậm do thiếu vốn

01/11/2018 15:15

(TN&MT) - Tiếp tục phiên chất vấn chiều 1/11, Bộ  trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời cụ thể một số vấn đề liên quan đến công tác xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được các đại biểu quan tâm.

Mai Sy Dien Thanh Hoa
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà 

 

Nguyen Thi Le Thuy Ben Tre
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thuỷ chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà


Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà việc chậm trễ trong thực hiện Quyết định 1788 của Thủ tướng về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

 

Theo kế hoạch năm 2015 phải xử lý dứt điểm 229 cơ sở ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 là 435 cơ sở. Tuy vậy, đến thời điểm này, mới đạt được 230 cơ sở, còn 205 đơn vị. "Trong 2 năm tới liệu có đạt mục tiêu không", Đại biểu Mai Sỹ Diến hỏi. 

Bo truong Bo Tai nguyen va Moi truong Tran Hong Ha (2)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội sáng ngày 1/11/2018


 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là vấn đề lớn, nhiều năm nay, Chính phủ đã quyết tâm xử lý vấn đề này. Hiện nay, có gần 500 cơ sở gây nhiễm trên toàn quốc. Thực tế, những cơ sở này được hình thành trước khi có Luật Bảo vệ môi trường, thậm chí, có những cơ sở có trước năm 1993 là những cơ sở liên quan đến bãi rác, bệnh viện, tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh…. Nhà nước sẽ bỏ kinh phí để đầu rư vào chủ yếu các cơ sở công ích và đây là quyết định cuối cùng.

 

Theo Luật BVMT 2014, tất cả cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phải tuân thủ pháp luật và chịu chịu trước trách nhiệm trước pháp luật. Nếu vi phạm ở mức gây ô nhiễm nghiêm trọng phải đình chỉ hoặc đóng cửa cơ sở đó.

 

Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này, theo Bộ trưởng Trồng Hồng Hà, cần khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỷ đồng; các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này song hiện nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách Nhà nước, nên gặp khó khăn trong xử lý. Đây là vấn đề Bộ TN&MT sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết, nếu không với việc đối ứng của địa phương không phải dễ dàng thực hiện được.
 

NguyenTuan Anh Long An (2)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà sáng 1/11/2018

 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH Long An) về sự vênh nhau trong dữ liệu tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải giữa Bộ TN&MT (88%) và Bộ KH&ĐT (87%), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, con số vênh nhau giữa các Bộ do khác nhau về thống kê đối tượng và thời gian tiếp nhận. Hiện, có 20  khu công nghiệp đang làm hồ sơ và Bộ TN&MT chưa tiếp quản. Cuối năm nay khi số khu công nghiệp này được bàn giao về Bộ TN&MT quản lý các số liệu sẽ khớp. 
 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình trên được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với tổng kinh phí 535 tỷ đồng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng hỗ trợ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật mới phát sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại các cơ sở, khu vực công ích, các điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, nước thải từ các đô thị loại II trở lên đang gây suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Phấn đấu đến năm 2020 xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái, cải tạo và phục hồi môi trường.

Thu gom, tiêu hủy thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu và cải thiện, phục hồi môi trường đối với 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra; đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chậm do thiếu vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO