Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, năm 2018, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ môi trường tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác hại của bếp than tổ ong đối với môi trường và sức khỏe. Quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin về thực trạng và ý thức bảo vệ sức khỏe của cộng đồng trước tác hại của bếp than tổ ong cho thấy, đa số người dân lựa chọn sử dụng bếp than do chi phí thấp, tiện lợi. Thế nhưng đáng lo ngại là tại các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, có nhiều trường hợp mắc bệnh hô hấp và tim mạch.
Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tìm giải pháp thay thế bếp than tổ ong. Trong đó, ngoài việc tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, còn phối hợp với UBND quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường. Từ đó, làm cơ sở xây dựng lộ trình, giải pháp hạn chế, xây dựng quy định và tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP đến năm 2020. |
Bởi lẽ, khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín (trong nhà) sẽ khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hít phải khí CO và bụi PM2.5 cao hơn khi đốt than ở bên ngoài.
Vì vậy, nghiên cứu đã tập trung vào quan trắc, đánh giá phơi nhiễm của người dân với bụi mịn PM2.5 và khí CO phát thải trong quá trình sử dụng bếp than tổ ong. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại khu vực gần bếp cao hơn khu vực đầu hướng gió và xa bếp gấp 7 - 10 lần. Nguy cơ rủi ro khi phơi nhiễm trực tiếp với CO là đáng kể (41% số mẫu phơi nhiễm vượt qua khuyến cáo của WHO-2004); nguy cơ rủi ro ung thư khi phơi nhiễm trực tiếp PM2.5 ở mức độ trung bình, vượt quá mức khuyến cáo của US-EPA (2004). Hệ số rủi ro ung thư (ILCR) của hai đối tượng (người đun trực tiếp và người không trực tiếp đun nấu), tại khu vực nghiên cứu biến thiên từ 1.5E-06 đến 3.8E-06. Như vậy, người dân tại khu vực nghiên cứu đều chịu nguy cơ rủi ro ung thư ở mức trung bình theo đánh giá của EPA, nghĩa là nằm ở mức 2/3 và khuyến cáo cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ về nguy cơ này.
Theo ông Lê Tuấn Định, trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường đã thực hiện, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tăng cường, nâng cao nhận thức của người dân để thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt là tại các khu vực nội thành, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. “Với những nỗ lực từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TP, chúng tôi tin rằng, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ thực hiện xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, góp phần cải thiện môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô” - ông Định chia sẻ.