Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn đang xả khói bụi ra môi trường |
Khói, bụi phủ xóm làng
Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn thuộc chủ đầu tư là Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn có địa chỉ tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2011, có tổng công suất hai dây chuyền 2,2 triệu tấn/năm. Điều đáng quan ngại là nhà máy này đươc bố trí ngay sát khu vực dân cư sinh sống, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Từ phản ánh của người dân, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại xóm Ao Kềnh, khu vực đông dân cư ngay sát cạnh Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn và khu khai thác đá của nhà máy này. Theo quan sát của phóng viên, Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn được đặt giữa một khu vực đông dân cư, xung quanh là các xóm: Ao Kềnh, xóm Mái và Quán Trắng. Ngoài ra, ngay cạnh nhà máy còn có Trường THPT Nam Lương Sơn, Trường THCS Thành Lập, đặc biệt là khu chợ Quán Trắng, nơi tập trung buôn bán của cả xã.
Những xe tải chở đất đá chạy liên tục bất kể ngày đêm qua con đường làng, gây bụi mù mịt và nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông |
Con đường nối từ Nhà máy xi măng đến khu khai thác đá làm nguyên liệu chạy qua thôn Sòng, thôn Ao Kềnh và Quán Trắng. Một nửa con đường này đã được đổ bê tông, nửa còn lại vẫn là đường đất. Nhiều năm qua, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, bụi bẩn và tiếng ồn đã trở thành một “đặc sản” với người dân nơi đây.
Chỉ tay vào các vật dụng phủ bụi trắng xóa trong nhà, ông Nguyễn Đình Tĩnh, thôn Ao Kềnh bức xúc: “Đấy các anh thấy, bằng mắt nhìn trực tiếp thì các anh có thể nhận thấy tình trạng ô nhiễm khói bụi đến mức nào. Vợ tôi phải tưới nước và quét dọn thường xuyên thì mới bớt được bụi. Xe ô tải chở đất đá chạy suốt ngày đêm, không lúc nào ngừng nghỉ. Đặc biệt, ban đêm họ thường chở xe rất đầy, đất đá rơi vãi ra cả đường, bẩn vô cùng. Người dân ở đây rất bức xúc nhưng không biết phải làm thế nào”.
Mỗi khi nổ mìn trong mỏ khai thác đá của nhà máy đều gây nên tiếng động rất lớn, bụi bay mù mịt ra khắp xóm làng |
Nhà ông Tĩnh nằm cạnh con đường chở đá từ mỏ ra nhà máy và cách Nhà máy xi măng vài trăm mét. Khi được hỏi người dân đã có phản đối hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy không, ông Tĩnh cho biết, đã nhiều lần kêu lên tận nhà máy xi măng, đã từng “ăn ngủ” ở đấy để phản đối nhưng nhà máy không giải quyết gì hết. “Nếu dân có kêu quá, nhà máy xi măng đánh xe đến nhà trưởng thôn một lúc thì thấy quay đi. Rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ trưởng thôn mới tôi chưa biết. Chỉ người dân là khổ thôi”, ông Tĩnh thở dài.
Có cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi ngay cạnh đường, anh Nguyễn Văn Tính, thôn Ao Kềnh cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, không khí ở đây trở nên bụi bặm và ô nhiễm. Xe từ các mỏ khai thác đá chạy suốt đêm, tiếng ồn rất lớn, nhiều đêm đang ngủ phải giật mình tỉnh giấc. Ngày trời nắng đất đá từ đoàn xe rơi vãi khiến đoạn đường này bụi mù mịt, còn những hôm trời mưa, nước mưa hòa đất khiến con đường trở nên nhão nhoét, lầy lội. Nhà cửa nhiều lúc không buồn lau vì vừa lau xong lại bụi. Hoa nở bông nào cũng dính toàn đất, không còn nhìn ra hoa nữa. Không những vậy, các đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy rầm rầm trên đường còn gây mất an toàn giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc và lo lắng, nhất là mất an toàn cho các cháu học sinh.
Cũng theo anh Tính, trước đây nhà máy xả khói bụi thường xuyên. Giờ do người dân có ý kiến nhiều nên có đỡ hơn trước nhưng vẫn rất bụi bẩn. Mỗi lần xả là khói mù mịt, khói lẫn với sương lởn vởn không thể bay đi được nên rất nặng mùi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Nền nhà luôn được phủ một lớp bụi dày |
Sống cách nhà máy xi măng một khoảng ruộng lúa, bà Nguyễn Thị Viển, thôn Ao Kềnh cho biết, mỗi lần nhà máy xi măng xả thì khói bụi mờ mịt, cay hết cả mắt. Nước giếng, nước ao thì nổi váng, mùi rất khó chịu. Khói bụi còn làm cho các ruộng lúa gần nhà máy kém hẳn năng suất, hạt lúa bị bụi bám mốc lên. Trồng rau không ăn được, rửa không sạch. Việc nhà máy xi măng xả bụi, khói khiến sức khỏe người trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người đã mắc căn bệnh ung thư phổi.
“Thời gian trước, đã có lần người dân tập trung trước nhà máy để phản đối. Không cho xe nhà máy ra vào. Người dân kiến nghị không xả bụi. Nhà máy cũng cam kết thế. Họ cam kết nếu xả bụi thì không hoạt động nữa nhưng giờ thì vẫn xả. Không biết thế nào. Dân vẫn phải chịu”, bà Viển bức xúc.
Dân khốn khổ, Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn "im lặng" trước báo chí
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tìm hiểu thêm các thông tin về hoạt động của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn trong những năm qua. Kết quả cho thấy, hoạt động của nhà máy đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống và sức khỏe của người dân khu vực xung quanh.
Theo đó, các cơ quan báo chí cũng từng phản ánh, số liệu từ Trạm y tế xã Thành Lập cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2016, số người dân đến khám và được chẩn đoán mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, viêm đường hô hấp trên) vô cùng lớn. Trong đó, tháng 1 là 80 trường hợp, tháng 2 là 67 trường hợp. Riêng tháng 3 (tính đến ngày 30/3) lên tới 116 trường hợp. Ông Hoàng Bá Dân, Trạm phó Trạm Y tế xã Thành Lập (nay là xã Liên Sơn) từng cho biết, trong vài năm trở lại đây, năm nào cũng có vài trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp như ung thư phổi và viêm phổi cấp. Trong đó, thôn Ao Kềnh là nơi có nhiều trường hợp nhất.
Ông Bùi Văn Điều cho biết bà các xóm lân cận đã nhiều lần có ý kiến đối với việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn |
Theo ông Bùi Văn Điều, Công chức phụ trách nông nghiệp, môi trường xã Liên Sơn, trong thời gian qua, bà con các thôn lân cận đã nhiều lần có ý kiến đối với việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn, đặc biệt là ở thôn Ao Kềnh và Bến Cuối. Mỗi khi có sự cố về điện thì nhà máy xi măng lại xả thải bụi. Địa phương và nhà máy đã có quy chế phối hợp nên khi có sự cố, nhà máy sẽ thông báo ngay cho địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời tuyên truyền đến bà con nhân dân. Nếu có các sự cố nặng, nhà máy phải tiến hành hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Văn Điều cũng cho biết, hàng năm, UBND xã đều có nhiều cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, Nhà máy xi măng Trung Sơn đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nhưng mới trong giai đoạn thử nghiệm; còn Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn cũng chưa thực hiện việc hỗ trợ kiểm tra sức khỏe tập trung cho người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng, người dân vẫn phải tự đi kiểm tra.
Ông Bùi Viết Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn |
Đối với việc ô nhiễm bụi của đoạn đường qua thôn Ao Kềnh, ông Bùi Viết Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết: Hiện nay, tuyến đường chở đá đi từ Thôn Sòng, qua thôn Ao Kềnh, Quán Trắng nối với đường Hồ Chí Minh được UBND huyện Lương Sơn đầu tư kinh phí nâng cấp là 4,9 tỷ đồng. Xã đã cam kết với huyện sẽ giải phóng mặt bằng sạch đủ 6m mặt đường bê tông, hai bên có rãnh thoát nước. Hiện đơn vị nhà thầu đang lu nền, tới đây sẽ đổ bê tông. Khi hoàn thành sẽ hạn chế được bụi từ các phương tiện chở đá, không lầy vào mùa mưa. Còn trước mắt, UBND đã chỉ đạo các doanh nghiệp chở đá thường xuyên tưới nước để giảm ô nhiễm khói bụi, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Bụi từ các xe tải chở nguyên vật liệu và xi măng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân |
Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề gây ô nhiễm môi trường và các giải pháp khắc phục, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã hai lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (vào các ngày 12/11 và 19/11) với đầy đủ các giấy tờ theo đúng quy định của Luật báo chí. Đặc biệt, ngày 19/11, dù cán bộ UBND xã Liên Sơn liên hệ, thông báo việc có phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đến nhà máy xác minh thông tin, tuy nhiên cả hai lần cán bộ nhà máy đều trả lời lãnh đạo đi vắng hết nên không thể cung cấp thông tin!?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.