Xét tuyển đại học nên kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh

Mai Đan (thực hiện)| 15/08/2022 14:08

(TN&MT) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện, có 20 phương thức tuyển sinh đại học, nhưng chỉ có hai phương thức phổ biến đang được các trường đại học và cao đẳng áp dụng để có thể tuyển nhiều chỉ tiêu là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Là một trong những trường đại học trên cả nước áp dụng 2 phương thức này, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã đạt hiệu quả cao trong công tác tuyển sinh những năm qua.

z3642490929947_4b6461f9d411f6e8f6459d6fe27d26ff.jpg
TS. Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với TS. Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để làm rõ hơn công tác tuyển sinh của trường.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về chỉ tiêu tuyển sinh và cụ thể các phương thức xét tuyển năm nay của nhà trường?

TS. Lưu Văn Huyền: Tổng chỉ tiêu Đại học chính quy năm 2022 là 2.950 chỉ tiêu, giữ ổn định và có chút giảm nhẹ so với các năm tuyển sinh trước. Chỉ tiêu được xác định trên năng lực đào tạo và quy mô đào tạo của Trường, đã báo cáo và được Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định tại Thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm 2022, Trường không mở mới mà định hướng giữ ổn định quy mô và chú trọng đẩy mạnh hoạt động đào tạo 23 ngành của Trường, trong đó, có 7 ngành mở mới năm 2020. Chỉ tiêu của các khoa, ngành giữ ổn định như các năm và phải phù hợp với năng lực đào tạo, quy mô sinh viên của Trường đúng theo quy định, quy chế tuyển sinh hiện hành.

Cụ thể, có 1.245 chỉ tiêu xét tuyển sinh theo điểm thi THPT; 1.287 chỉ tiêu xét tuyển theo điểm Học bạ THPT. Còn lại 418 chỉ tiêu xét tuyển theo một số phương thức khác như tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, tuyển đặc cách theo quy định riêng của Trường, tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thuận lợi và khách quan của các phương thức xét tuyển trên đối với Trường Đại học TN&MT Hà Nội và thí sinh? Trong các phương thức này, ông nhận thấy phương thức nào phù hợp và hiệu quả nhất với nhà trường và thí sinh, thưa ông?

TS. Lưu Văn Huyền: Phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT truyền thống (chiếm 60 – 65% lượng thí sinh xét tuyển vào trường hàng năm). Các phương thức xét tuyển khác, đặc biệt phương thức sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) là một phương thức xét tuyển có nhiều ưu điểm thuận lợi cho Nhà trường sử dụng để tuyển sinh trong xu hướng các trường tự chủ về công tác tuyển sinh những năm gần đây. Học bạ THPT là một phương thức để xác nhận kết quả, năng lực học tập của thí sinh khá toàn diện (đa dạng về môn học, tổ hợp, …) và có tính pháp lý.

Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã xét tuyển Học bạ từ năm tuyển sinh 2016 cho một số ngành và mở rộng tuyển sinh theo phương thức này cho toàn bộ các ngành tuyển sinh của Trường từ năm 2018 đến nay. Chỉ tiêu của phương thức xét tuyển Học bạ hằng năm chiếm gần 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn Trường bên cạnh phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT và một số phương thức khác (xét tuyển thẳng,..).

Việc sử dụng kết quả Học bạ để xét tuyển khá hiệu quả trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay của Trường với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này ngày càng cao. Nguyên nhân là do khi chọn phương thức này, thí sinh có thời gian, cơ hội để chuẩn bị kết quả Học bạ trong suốt thời gian học THPT, kết quả rõ ràng và chọn lựa nguyện vọng theo mức học lực phù hợp, thời gian thu nhận hồ sơ xét tuyển sớm, giúp ổn định tâm lý và tự tin hơn trước kỳ thi THPT.

PV: Với những chia sẻ trên, không thể phủ nhận tính thuận lợi của phương thức xét học bạ THPT. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, học sinh thừa nhận điểm học bạ nhiều môn cao hơn năng lực, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan của phương thức này. Ông có thể nêu quan điểm của mình về vấn đề này, thưa ông?

TS. Lưu Văn Huyền: Vấn đề điểm Học bạ của thí sinh hiện này khá cao có thể từ nhiều nguyên nhân. Theo tôi, lý do chính vẫn là thí sinh đã được định hướng và có thời gian chuẩn bị tốt và kéo dài trong suốt quá trình học tập THPT (so với phương thức xét theo điểm thi THPT). Còn các luồng thông tin dư luận về tính khách quan của kết quả học tập ở bậc THPT thì cũng chỉ là phán đoán chủ quan, vì như tôi được biết, một số năm gần đây, khi các trường có thông báo tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THPT hoặc xét học bạ THPT kết hợp các tiêu chí như: học lực giỏi 3 năm, trường chuyên, đạt giải học sinh giỏi, có bằng, chứng chỉ ngoại ngữ...thì thí sinh, các bậc phụ huynh cũng chuẩn bị tâm thế trong suốt 3 năm ở bậc THPT rồi.

z3642491487659_095fa2649f349e9adc7b46e3e8e8ac4b(1).jpg
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đạt hiệu quả cao trong công tác tuyển sinh những năm qua

Học bạ THPT vẫn là một kết quả pháp lý quan trọng và chính xác hiện nay của hệ thống giáo dục phổ thông nên vẫn đảm bảo hiệu quả và chất lượng đầu vào cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh. Để đảm bảo chất lượng, ngoài kết quả Học bạ, các Trường có thể sử dụng thêm các tiêu chí khác để kết hợp cùng như: chỉ xét Học bạ với đối tượng thí sinh phù hợp (chẳng hạn có học lực giỏi, trường chuyên, đạt giải học sinh giỏi, có bằng, chứng chỉ ngoại ngữ,…) thì sẽ đạt được chuẩn đầu vào tốt hơn.

PV: Thưa ông, ông có lời khuyên nào cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong việc cân nhắc kỹ khi sắp xếp các nguyện vọng?

TS. Lưu Văn Huyền: Theo tôi, khi đăng ký nguyện vọng đại học, các thí sinh nên lưu ý các vấn đề chính sau: Phương án, Đề án tuyển sinh của các trường mà thí sinh quan tâm. Trong đó, có các nội dung quan trọng: Điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, mức điểm trúng tuyển các năm tuyển sinh gần nhất. Quan trọng nhất là nguyện vọng thí sinh muốn vào ngành nào, muốn vào Trường nào để từ đó định hướng chiến lược sắp xếp nguyện vọng xét tuyển Đại học một cách phù hợp nhất.

7ae2f474af1f6a41330e.jpg
Tổng chỉ tiêu Đại học chính quy năm 2022 của Trường Đại học TN&MT Hà Nội là 2.950 chỉ tiêu

Bên cạnh đó, thí sinh phải xác định được nguyện vọng cao nhất của bản thân muốn xét tuyển và theo học ngành học nào, trường nào (nguyện vọng 1) sau đó là các nguyện vọng lần lượt tiếp theo (giảm dần theo thứ tự nguyện vọng). Và căn cứ theo năng lực của bản thân để có sự sắp xếp phù hợp, thí sinh cũng nên tham khảo các ngành phù hợp hoặc nhóm ngành cùng lĩnh vực và có khả năng trúng tuyển cao với kết quả xét tuyển của bản thân để có thêm các phương án dự phòng nếu không đạt được nguyện vọng cao nhất như mong muốn. Vì các ngành này có kiến thức chuyên ngành khá sát nhau, thí sinh sau khi được đào tạo, có thể tìm được công việc yêu thích tương tự hoặc học lên trình độ cao hơn các ngành đào tạo yêu thích.

Hiện nay, phương thức xét tuyển đại học rất đa dạng và theo đặc thù riêng của từng Trường. Thí sinh nên chọn lọc các Trường thực sự quan tâm và tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh, điều kiện yêu cầu của từng Trường/từng phương thức để tránh không bị nhầm lẫn và sai sót thông tin khi tham gia xét tuyển vào nhiều Trường cùng lúc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tuyển đại học nên kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO