Xe quá tải tung hoành, dân khổ vì ô nhiễm

13/08/2016 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường có nhận được đơn thư phản ánh của bà con thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp khai thác đất, đá gây mất trật tự an toàn giao thông, làm ô nhiễm môi trường, nứt nhà dân, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của bà con...

Xe quá khổ quá tải, không che bạt tung hoành tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng
Xe quá khổ quá tải, không che bạt tung hoành tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Có mặt tại thôn Phước Thuận vào lúc 9h sáng, chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng đoàn xe tải lũ lượt nối đuôi nhau chở đất, đá chạy trên con đường lỗ chỗ ổ trâu ổ gà, bụi tung trắng xóa, rộng chỉ khoảng 4- 5m. Chỉ đi một đoạn chưa đầy 1km, từ Quốc lộ 14B vào đến thôn Phước Thuận mà mặt mũi chúng tôi lấm lem bùn đất, quần áo loang lổ. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Nam, một người dân trong thôn. Anh Nam cho biết: hàng ngày có hàng ngàn lượt ô tô chạy đi chạy lại qua thôn để chở đất, đá, vật liệu xây dựng. Trong số đó có khá nhiều xe quá khổ, quá tải, không che đậy vẫn vô tư chạy trên đường. Mặc dù các các doanh nghiệp đã cam kết với với chính quyền, người dân là sẽ phun nước tưới đường nhưng thực hiện chưa tốt.

Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho biết: hiện toàn thôn có 185 hộ, 805 khẩu, trong đó có gần 20 hộ nghèo. Trước đây, thôn Phước Thuận là thôn thuần nông với hơn 70ha đất nông nghiệp sản xuất được 2 vụ. Ngoài ra, người dân còn có nghề rừng và chăn nuôi nên đời sống khá yên bình. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nhu cầu phát  triển, trên địa bàn thôn đã xuất hiện nhiều mỏ đất, đá, nhà máy sản xuất gạch với hàng nghìn lượt ô tô qua lại mỗi ngày để chuyên chở, trong đó có nhiều doanh nghiệp, lái xe thiếu ý thức khi chuyên chở vật liệu, cố tình chạy theo lợi nhuận, chở quá khổ quá tải, không có bạt phủ cũng như các biện pháp che chắn khiến nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông đang hiện hữu, ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng. Tuy nhiên người dân ít thấy cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm.

Xe chở đất đá tung bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường
Xe chở đất đá tung bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường

Việc khai thác đất, đá trong thôn cũng gây ra rất nhiều hệ lụy: trước đây thôn có 70ha đất sản xuất được 2 vụ. Nhưng khi các doanh nghiệp vào khai thác đất, đá, độ che phủ của rừng giảm, nhiều quả đồi gần như bị san phẳng, các mương khe nếu không bị doanh nghiệp chặn lại để lấy nước phục vụ sản xuất thì cũng bị bồi lấp nên người dân không có nước để sản xuất nông nghiệp. Hiện nay chỉ còn khoảng 10/70ha đất nằm phía xa của thôn là có thể sản xuất được. Ngoài ra, các giếng nước trong thôn trước đây cũng luôn đầy nước nhưng vài năm trở lại đây đã trở nên khô kiệt. Không chỉ vậy, do các mương khe đã bị bồi lấp nên khi trời ít mưa thì không có nước, mưa nhiều lại gây cảnh ngập úng, trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây đã nhiều lần xảy ra ngập úng, nước tràn cả vào nhà dân gây thiệt hại nhiều về vật chất, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Đối với sản xuất nông nghiệp đã vậy, đối với chăn nuôi cũng không khá hơn, toàn thôn có hơn 500 con bò nhưng con nào cũng bị mắc bệnh tiêu chảy. Ngành thú y cũng bó tay không xác định được nguyên nhân nên người dân định đoán là do lượng bụi đất, đá, thuốc nổ mìn quá lớn, phủ lớp dày trên cây cỏ, bò ăn vào bị đau bụng.

Một góc khu vực khai thác đất ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn
Một góc khu vực khai thác đất ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn

Anh Nguyễn Văn Hoa, một người dân trong thôn bức xúc: nhà tôi xây dựng đã lâu nhưng không hề bị nứt. Vài năm trở lại đây, các công ty khai thác đá nổ mìn với số lượng lớn, xe tải lại chạy với lưu lượng lớn nên nhà tôi đã bị nứt toạc, cả bàn tay cũng lách qua khe được. Mặc dù các doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm, lấy lý do khoảng cách xa nhưng thực tế mỗi khi nổ mìn, hầu như nhà nào cũng có rung chấn, bụi đá, mìn bay vào nhà phủ hàng lớp trắng xóa, cơm dọn ra có khi phải đổ đi. Trưởng thôn Lê Văn Tuân xác nhận: vừa qua, đại diện chính quyền thôn đã thành lập đoàn kiểm tra, thống kê số lượng nhà bị nứt và kết quả là có trên 80% nhà dân trong thôn bị nứt, lún. Có nhà vết nứt dài 2- 3m, rộng 5- 10cm, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trong vai người đi tìm mua đất đá để san lấp, xây dựng mặt bằng, một chủ doanh nghiệp khi tiếp xúc với chúng tôi đã mạnh miệng tuyên bố: “đã “mua” được toàn bộ thôn Phước Thuận”, sau đó người này còn vỗ vai chúng tôi cười khà khà: “chú cứ đi bất kỳ hộ dân nào ở Phước Thuận này hỏi sẽ có câu trả lời. Đến mỗi hộ hàng tháng đều nhận của chúng tôi 300 nghìn đồng. Đến dân chúng tôi còn mua được thì thử hỏi còn gì mà chúng tôi không mua được nữa.”

Quả thực, theo phản ánh của người dân và khẳng định của chủ doanh nghiệp, chỉ trong vòng 30 phút đứng ở thôn Phước Thuận, chúng tôi đã đếm được hơn 20 xe ô tô chở đất, chở đá quá khổ quá tải, không che bạt chạy nghênh ngang. Ngoài ra, cũng theo tiết lộ của doanh nghiệp: việc quy định ô tô chở vật liệu xây dựng phải phun rửa xe trước khi ra khỏi công trường chỉ là quy định “cho vui”, bởi nếu phun rửa thì sẽ phát sinh chi phí rất lớn. Để chứng thực điều này, chúng tôi đã quan sát ở 6 doanh nghiệp trọng điểm về khai thác đất, đá và không hề thấy doanh nghiệp nào thực hiện việc phun rửa trước khi xe chở vật liệu xây dựng ra khỏi mỏ, thực hiện tham gia giao thông.

Cánh đồng rộng hàng chục ha tại thôn Phước Thuận hoang hoá, không thể canh tác
Cánh đồng rộng hàng chục ha tại thôn Phước Thuận hoang hoá, không thể canh tác

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn xác nhận: vấn đề ô nhiêm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông ở Phước Thuận là vấn đề không hề mới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cách giải quyết thấu đáo. Hiện trên địa bàn xã có hơn 40 doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vựa như: khai thác đất, đá, sản xuất bê tông nhựa, gỗ dăm.... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tập trung nhiều ở thôn Phước Thuận. Mặc dù các doanh nghiệp đều có đánh giá tác động môi trường nhưng thực hiện chiếu lệ, chưa chuẩn, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. Hiện các doanh nghiệp đã phải “chữa cháy” bằng cách đóng tiền để thuê các đơn vị khác phun nước giảm bụi. Số tiền này xã đang quản lý và thực hiện chi trả.

Ông Thu cũng khẳng định: “Việc mỗi hộ dân nhận mỗi tháng 300 nghìn đồng từ các doanh nghiệp đóng góp là có thật. Đây là tiền hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các doanh nghiệp”. Còn việc xe chở quá khổ, quá tải, không che đậy bạt cũng là việc có thật, xã còn biết cả tên lái xe nhưng thẩm quyền xử lý thuộc về cấp huyện. Đối với giải pháp để dứt điểm về ô nhiễm môi trường, hiện bà con đang đề xuất 2 biện pháp: một là chấm dứt hoàn toàn các hoạt động của các doanh nghiệp, hại là phải giải tỏa trắng khu vực dân cư ở thôn này để xây dựng khu, cụm công nghiệp. Hiện đã có chủ trương xây dựng một đường tránh qua thôn, nhưng chính quyền cấp xã chưa nắm được cụ thể vấn đề quy hoạch, nếu muốn nắm thêm thông tin có thể liên lạc với UBND huyện Hòa Vang.

Ông Nguyễn Văn Hoa bức xúc chỉ vết nứt trong nhà mình do các hoạt động khai thác đất, đá gây ra
Ông Nguyễn Văn Hoa bức xúc chỉ vết nứt trong nhà mình do các hoạt động khai thác đất, đá gây ra

Tiếp tục cuộc hành trình với vấn đề ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông ở Phước Thuận, phóng viên Báo Điện tử TN&MT đã rất nhiều lần liên lạc với ông Khoa, nguyên Trưởng phòng TN&MT, hiện là Chánh văn phòng UBND huyện Hòa Vang, đề nghị được xếp lịch để làm việc nhưng ông Khoa đều cáo bận họp hoặc đi công tác. Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Phước Thuận vẫn là một dấu hỏi lớn.

Bài & ảnh: Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe quá tải tung hoành, dân khổ vì ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO